(HNM) - Cùng với các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân đã chung tay tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nối dài hoạt động tri ân, chăm sóc người có công với cách mạng. Nhờ đó, người có công và gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống ngày một tốt hơn; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phụng dưỡng thường xuyên…
Thiết thực chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), ngày 22-7 vừa qua, tập thể cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ân cần đến thăm, chúc sức khỏe, tặng quà tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chung (ở xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) có 2 người con hy sinh. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội nhận phụng dưỡng hằng tháng, chăm sóc sức khỏe mẹ Chung từ năm 2015 đến nay. “Thông qua hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ thấu hiểu hơn sự hy sinh lớn lao của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng để đất nước được hòa bình, độc lập, tự do. Nhận ra giá trị của cuộc sống trong no ấm, hòa bình, chúng tôi tin mỗi người sẽ hình thành ý thức sống, làm việc có trách nhiệm hơn”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.
Cùng với mẹ Nguyễn Thị Chung, huyện Ba Vì có 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác hiện còn sống được các cơ quan, đơn vị, trường học phụng dưỡng thường xuyên. Còn tại quận Hà Đông, mẹ Nguyễn Thị Thi (phường Dương Nội) là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống duy nhất trên địa bàn quận cũng luôn nhận được sự quan tâm chu đáo về nhiều mặt. Ông Dương Văn Đăng, con trai của mẹ Nguyễn Thị Thi cho biết: “Vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, gia đình tôi luôn nhộn nhịp các đoàn khách đến thăm hỏi, tặng quà. Các thành viên trong gia đình luôn nỗ lực sống, làm việc tốt hơn để xứng đáng với truyền thống gia đình, sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng...”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố Hà Nội có gần 7.000 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 81 mẹ hiện còn sống. Dù đang sống cùng người thân hay không còn người thân, các mẹ luôn có người nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Khi các mẹ qua đời, đơn vị nhận phụng dưỡng cùng gia đình, chính quyền địa phương, dòng họ tổ chức mai táng trang trọng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với những trường hợp đủ điều kiện.
Quan tâm kịp thời người có công
Kiên trì thực hiện mục tiêu bảo đảm 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, ngoài sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội, ngành chức năng, thì mỗi tập thể, cá nhân trên địa bàn Thủ đô đều thấy rõ trách nhiệm chăm lo cho mọi đối tượng người có công với cách mạng. Sự quan tâm này được triển khai thông qua nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Nổi bật là cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn quận vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được hơn 1,55 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Từ nguồn ủng hộ này, quận Hà Đông hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 8 gia đình người có công, mỗi nhà 70 triệu đồng. Ngoài ra, quận cùng các phường tặng hơn 50 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách còn khó khăn với kinh phí hơn 400 triệu đồng…
Cũng từ nguồn Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, các huyện Đông Anh, Quốc Oai tặng người có công sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng/sổ, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn thành phố (trung bình 2,1 triệu đồng/sổ). Tính chung, những tháng đầu năm 2022, nhân dân thành phố đóng góp Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được gần 38 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm, qua đó hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hơn 321 gia đình, tặng hơn 5.800 sổ tiết kiệm cho người có công còn khó khăn…
Phong trào khác cũng có sức lan tỏa, đó là “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố vận động. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, qua phong trào này, trung bình mỗi năm, các cấp hội vận động nguồn lực từ cộng đồng để trao tặng từ 70.000 đến 90.000 suất quà Tết cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin (trung bình mỗi suất 500.000 đồng). Đặc biệt, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp hội tổ chức chuỗi hành trình tri ân người có công với cách mạng, gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho các trường hợp thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công; tặng hàng nghìn suất quà, sổ tiết kiệm cho người có công còn khó khăn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.