Tài chính

Nợ xấu gây áp lực với ngân hàng: Không thể chủ quan

Hà Linh 04/08/2024 - 06:28

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tính đến cuối tháng 5-2024 tăng 0,39% so với cuối năm 2023, từ mức 4,55% lên 4,94%. Mặc dù chưa phải là con số đáng báo động, song nợ xấu đã gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Nhiều tổ chức cũng như chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nợ xấu chưa đáng ngại nhưng cũng không thể chủ quan.

trong-6-thang-dau-nam-2024-toan-he-thong-ngan-hang-xu-ly-duoc-96-7-nghin-ty-dong-no-xau-tang-28-9-so-voi-cung-ky-nam-2023.-anh-do-tam.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Đỗ Tâm

Nợ xấu tăng lên 4,94%

Tình hình nợ xấu mang đến nhiều lo ngại cho hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm 2024, bất chấp việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ tiếp tục được kéo dài đến hết năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ở mức 4,94% vào thời điểm cuối tháng 5-2024, cao hơn mức 4,55% thời điểm cuối năm 2023, trong khi tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì ở mức 6,9%.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán VSDC, xét về số tuyệt đối, nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75,9 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023, trong khi nợ nội bảng, tiềm ẩn và cơ cấu lại tăng khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tăng khá mạnh. Tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023, lên 230,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6-2024.

Về xử lý nợ xấu, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu vẫn đang có xu hướng tăng và là thách thức đối với ngành Ngân hàng, cũng như nền kinh tế. “Có một số khoản nợ xấu do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng, nhưng về cơ bản nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu, chứ không chỉ ngân hàng”, ông Đào Minh Tú nói.

Nếu nợ xấu là điểm trừ thì tăng trưởng tín dụng được coi là điểm cộng cho hệ thống ngân hàng. Sau quý I-2024 ảm đạm, tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng trở lại trong quý II-2024. Trong gần nửa tháng 7-2024, tín dụng tăng trưởng, lên mức 6,4% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng toàn ngành dự kiến đạt khoảng 128.000 tỷ đồng, tăng 960 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, diễn biến của tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy luật nhiều năm trở lại đây.

Những dự báo và giải pháp

Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, nợ xấu gây lo ngại ảnh hưởng đến nền kinh tế khi đã tiến sát 5%. Nếu bao gồm cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tỷ lệ nợ xấu lên tới 6,9%. Tuy nhiên, với tăng trưởng tín dụng, thanh khoản hiện tại của hệ thống và nền kinh tế dần phục hồi, áp lực nợ xấu không quá đáng ngại.

Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) Phan Thị Vân Anh cũng nhận định, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện, khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và môi trường lãi suất thấp so với năm 2023.

Để xử lý nợ xấu, theo các chuyên gia, cần tăng khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường cho VAMC. Ngân hàng Nhà nước đã công bố phương án tăng vốn cho VAMC lên 10.000 tỷ đồng và đang nghiên cứu sửa đổi thông tư về mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Bên cạnh đó, Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các ngân hàng thông qua các giới hạn, biện pháp thắt chặt. Điều này sẽ thúc đẩy các ngân hàng tăng cường quản trị rủi ro nội bộ, hoạt động cho vay và hỗ trợ chất lượng tài sản.

Từ góc độ quản lý, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực, nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cho an toàn ngân hàng.

Những chính sách của Chính phủ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi suất thấp sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí vốn cho khách hàng. Tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ đạt mức 14-15%, chủ yếu là tín dụng doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất, kinh doanh bất động sản. Do đó, nhiều tổ chức cũng dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ xấu gây áp lực với ngân hàng: Không thể chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.