Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chịu tác động từ bất ổn kinh tế thế giới, rủi ro địa chính trị, nhu cầu nội địa chưa phục hồi mạnh, nhiều chính sách tài khóa tiếp tục được ban hành nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đây được coi là đòn bẩy tích cực, tạo đà để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, tiến tới tăng trưởng hai con số những năm tiếp theo.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 232.600 tỷ đồng
Ngay từ đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành rất nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, với nhiều chính sách tài khóa được mở rộng.
Chẳng hạn, ngày 2-4-2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2025/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký đến hết ngày 31-12-2025. Tổng số thuế được gia hạn theo chính sách là gần 102.000 tỷ đồng.
Mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 216/2025/QH15 về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2026. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2001-2010, tổng số tiền thuế đất nông nghiệp được miễn, giảm bình quân 3.268 tỷ đồng mỗi năm. Con số này tăng lên 7.500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023.
Đáng chú ý, Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP ngày 30-6-2025 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội, áp dụng từ ngày 1-7-2025 đến hết ngày 31-12-2026. Dự kiến, số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 122.000 tỷ đồng khi thực hiện chính sách này.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định mức thu, miễn một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, 46 khoản phí, lệ phí được giảm 50% từ ngày 1-7 đến 31-12-2026. Với mức giảm và thời hạn áp dụng như trên, dự kiến chính sách này hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng… Như vậy, tổng mức hỗ trợ người dân và doanh nghiệp năm 2025 sẽ đạt khoảng 232.600 tỷ đồng, cao hơn năm 2024 khoảng 35.000 tỷ đồng.
Chính sách đúng và trúng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các gói chính sách tài khóa được ban hành rất đúng và trúng khi doanh nghiệp và nền kinh tế đang cần phục hồi, tăng trưởng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang, Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng, việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất giống như khoản vay không lãi suất, giúp doanh nghiệp đầu tư và giảm chi phí, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, tăng sức mua của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa. Bên cạnh đó, việc giảm thuế, phí và miễn tiền sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ hỗ trợ lĩnh vực này đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”, bà Nguyễn Thị Cẩm Giang nói.
Khi được hỗ trợ về vốn, giảm chi phí thuế, phí, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Điều này không chỉ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả trên cho thấy các chính sách tài khóa đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.
Về phía doanh nghiệp, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nhìn nhận, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Riêng chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất có thể coi là “liều thuốc” kịp thời khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp khó trong phục hồi đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế.
Để các chính sách phát huy tối đa tác dụng, ông Mạc Quốc Anh cho rằng cần đơn giản hóa hơn nữa các quy trình, thủ tục thực hiện, tăng cường giám sát thực thi và đánh giá tác động chính sách giữa kỳ, gắn kết chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định:
Cần thực hiện nhiều giải pháp
Tôi cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngoài các chính sách tài khóa, cần thực hiện nhiều giải pháp khác. Trước tiên là sớm ổn định bộ máy hành chính sau sáp nhập để không cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó là quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tháo bỏ mọi điểm nghẽn khiến giải ngân vốn chậm.
Giải pháp khác là khai thông và mở rộng thị trường trong nước. Hiện nay, sức mua của thị trường trong nước còn yếu, cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Bộ Công Thương, các sở công thương tỉnh, thành phố phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp triển khai hoạt động kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức đợt bán hàng giảm giá lớn trên phạm vi toàn quốc, nhằm tạo cú hích tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại cũng nên hợp lực đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất thấp để hỗ trợ người dân.
Tiến sĩ Vũ Thị Tần, đồng sáng lập Công ty TNHH Tư vấn và thiết kế kỹ thuật TECHMAT:
“Phao cứu sinh” với doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều chính sách thuế đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, điển hình là chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất; giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm nhiều khoản phí, lệ phí… Đây là “phao cứu sinh” để doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất. Đặc biệt, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp kích thích tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những bất cập, như trong cùng một ngành hàng, có loại được giảm thuế giá trị gia tăng, song có loại lại không. Vì thế, doanh nghiệp khó xác định được mặt hàng được giảm thuế để xuất hóa đơn cho đúng, tránh sau này có thể bị phạt. Chúng tôi mong được hướng dẫn cụ thể, giúp doanh nghiệp thuận tiện khi hưởng thụ chính sách hỗ trợ.
Chị Phạm Thị Hoa, phường Cầu Giấy:
Giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí
Chúng tôi rất mừng khi thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã được triển khai. Đặc biệt là việc giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng từ đầu tháng 7-2025 đến hết năm 2026. Điểm đáng chú ý là một số nhóm hàng hóa trước đó không thuộc diện được giảm thuế, nay đã được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 8%, trong đó có xăng, dầu. Xăng, dầu là nhóm hàng có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành sản xuất và đời sống người dân nên với việc giảm thuế, mỗi tháng người dân tiết kiệm đáng kể chi phí.
Chưa kể, xăng, dầu chiếm tỷ lệ khá lớn trong chi phí vận tải, nên giá mặt hàng này giảm có tác động trực tiếp đến giảm giá cước vận tải, từ đó giúp ổn định giá các hàng hóa, giảm lạm phát. Ngoài ra, việc giảm 50% đối với 46 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2026, trong đó có khoản lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, hộ chiếu cũng là quy định rất thiết thực với người dân.
Thanh Hương ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.