Tài chính

Ứng phó rủi ro nợ xấu ngân hàng

Hà Linh 05/11/2023 - 06:31

Nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại, khi nhiều khoản vay không có khả năng thanh toán. Trong số 25 ngân hàng được khảo sát, có 19 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng hai chữ số, 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng ba chữ số so với thời điểm cuối năm 2022. Lại một lần nữa ngành Ngân hàng phải ứng phó với vấn đề nợ xấu - yếu tố gây rủi ro cho cả nền kinh tế.

no-xau.jpg
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thêm hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu sau 3 quý đầu năm 2023. Ảnh: Quang Thái

Nợ xấu tăng 52% so với đầu năm

Thống kê mới nhất tại 25 ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu đến cuối quý III-2023 tăng 52% so với đầu năm, lên hơn 210.000 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), nợ xấu tăng 9,4% với 435 tỷ đồng. Còn nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) tính đến cuối tháng 9 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng tăng từ 2,88% đầu năm lên 3,51% nên ngân hàng này đã phải dành gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng.

Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng không tránh khỏi những khoản nợ xấu. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có số dư nợ xấu lớn nhất với 26.394 tỷ đồng, tăng 50% so với cuối năm trước và là ngân hàng có số dư nợ xấu cao thứ hai trong nhóm các ngân hàng được khảo sát.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thêm hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu sau 3 quý đầu năm 2023, tương đương mức tăng 84%. Với 14.393 tỷ đồng, tỷ lệ nợ
xấu của Vietcombank từ 0,68% cuối năm 2022 tăng lên 1,21%. Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng đã phải tăng dự phòng rủi ro gần 57% với 38.872 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bao phủ nợ xấu 270%, giảm so với ngưỡng 385% vào cuối quý II-2023 nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân toàn ngành.

Xử lý, thu hồi các khoản nợ

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến nợ xấu “phình” trở lại được cho là do khó khăn của các doanh nghiệp sau thời kỳ dài đại dịch Covid-19, cùng tác động bất ổn trên thế giới. Ảnh hưởng của đại dịch cộng với lạm phát tăng khiến sức cầu chung của thế giới cũng như của Việt Nam rất yếu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện đang rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Ngay bản thân các ngân hàng cũng gặp khó khăn, bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm. Ngoài ra, chất lượng tài sản suy giảm khiến vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản “đóng băng”…

Ông Nguyễn Quốc Hùng dự báo, một số doanh nghiệp đã hết nguồn lực, dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành Ngân hàng thì xử lý rất khó; còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý và thu hồi các khoản nợ.

Có dự báo lạc quan hơn, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ giảm của nợ xấu không quá mạnh và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Do có độ trễ nhất định nên phải từ quý IV-2023 những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản mới bắt đầu phát huy tác dụng. Tốc độ giảm của nợ xấu tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản, nếu thị trường phục hồi sớm sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản bảo đảm và kéo nợ xấu giảm.

Trong số những khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bất động sản chiếm tỷ lệ không nhỏ, nên tình trạng “đóng băng” của thị trường cũng khiến nợ xấu có nguy cơ xấu thêm. Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện tại ghi nhận sự chuyển biến, dù còn chậm. Chưa kể, sự hồi phục của thị trường cũng không đồng đều, mà tùy thuộc vào từng phân khúc, trong đó có những phân khúc phải cần đến 4-5 năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Trong đó, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp để xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó rủi ro nợ xấu ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.