Tài chính

Nợ xấu tăng - Bài toán khó càng thêm khó

Hà Linh 24/12/2023 07:35

Theo thống kê mới nhất, nợ xấu của các ngân hàng đang tăng trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không ổn định, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Nợ xấu tăng làm cho bài toán xử lý nợ xấu được các ngân hàng nỗ lực triển khai trong thời gian qua khó càng thêm khó.

no-xau-cua-ngan-hang-thuong.jpg
Nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng cao, từ 0,82% lên 1,21%. Ảnh: Nguyễn Quang

Tỷ lệ nợ xấu đồng loạt tăng

Theo số liệu từ 27/29 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ xấu trong quý III-2023 tăng từ 2,09% lên 2,24%. Thực tế, mức gia tăng nợ quá hạn nhanh hơn nhiều so với nợ xấu. Mặc dù các khoản nợ quá hạn hạ nhiệt trong quý III-2023, nhưng trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, khả năng cao là nợ quá hạn được chuyển sang nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong quý IV này.

Tính chung, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối quý III-2023 tăng 61% so với cuối quý II-2023, lên mức 196.755 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng có vốn nhà nước có tỷ lệ nợ xấu tăng ít nhất, nhưng tỷ lệ nợ xấu không đồng đều. Nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng nhẹ, trong khi nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng cao, từ 0,82% lên 1,21%. Ngân hàng này duy trì mức tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ 3,9% tính đến cuối quý III-2023, so với hạn mức (room) được Ngân hàng Nhà nước cấp lần 1 từ đầu năm là 9,6% và hạn mức cả năm ít nhất là 12%.

VietinBank và BIDV có mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng của năm 2023 tốt hơn nhiều so với Vietcombank khi lần lượt đạt 8,7% và 8,4%, bằng với hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp lần đầu. Tăng trưởng phân khúc bán buôn vẫn là động lực lớn cho các ngân hàng này.

Trong nhóm ngân hàng còn lại, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng từ 3,88% cuối quý II-2023 lên 3,96% cuối quý III-2023. Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), nợ xấu cũng tăng từ 1.357 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3%. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) của TPBank giảm từ 135% trong năm 2022 xuống 47% vào cuối quý III-2023, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3%, với 4.149 tỷ đồng, gấp đôi so với số nợ xấu 2.057 tỷ đồng của năm 2022.

Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,07% cuối quý II lên 1,21% cuối quý III-2023. Tín dụng của ACB đã hồi phục mạnh trong quý III và lợi nhuận cũng đã được cải thiện đáng kể, giúp ngân hàng có nhiều dư địa để trích lập dự phòng rủi ro.

Số liệu chưa phản ánh hết thực tế

Các chuyên gia cho rằng, số liệu về nợ xấu chưa phải những con số thật, vì theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (ngày 23-4-2023) quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các ngân hàng được tái cơ cấu nợ đến cuối tháng 6-2024. Những quy định của thông tư này góp phần hạn chế sự gia tăng nợ xấu. Khoảng 6 tháng nữa là hết thời hạn áp dụng của thông tư, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng.

PSG.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, tỷ lệ nợ xấu hiện nay chưa phản ánh hết thực tế, nhờ được tái cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Nói cách khác, nợ xấu ngân hàng chưa đạt đỉnh và còn đi lên. Ngoài ra, bộ đệm dự phòng rủi ro của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ xấu không nhiều.

Thực tế, theo số liệu mới nhất, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN là 140.000 tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Trong đó, VPBank có nợ cơ cấu đạt 14.900 tỷ đồng (chiếm 2,86% tổng dư nợ) và BIDV gần 20.000 tỷ đồng (khoảng 1,5% tổng dư nợ). Các ngân hàng còn lại, nợ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ tái cơ cấu của Vietcombank 0,14%; ACB 0,4%; Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 0,27%; MSB 0,25%...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định, nợ xấu của các tổ chức tín dụng rất đáng lo, trong khi việc xử lý nợ xấu thông qua bán tài sản bảo đảm khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.

Lãnh đạo của nhiều ngân hàng cũng lo ngại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực có thể khiến nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng thêm nợ xấu mới, cộng với việc đến thời kỳ đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, để giảm bớt áp lực cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, đề xuất gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Thực tế, thông tư này có ưu điểm là hỗ trợ thiết thực các ngân hàng, doanh nghiệp, song cũng có nhược điểm là phần nào “che” mất bức tranh nợ xấu thật của hệ thống ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ xấu tăng - Bài toán khó càng thêm khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.