Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTƯ ngày 27-7-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân thành phố Hà Nội từng bước khẳng định vai trò lực lượng nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật là hội xây dựng các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đặc thù theo thế mạnh từng địa phương.
Triển khai Đề án “Hội Nông dân thành phố Hà Nội tham gia xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2021-2025” gắn với Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Hội nông dân các cấp tập trung phát triển các chi hội nghề nghiệp theo hướng phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương.
Theo đó, đến nay, toàn thành phố đã thành lập 251 chi hội nông dân nghề nghiệp với 6.260 thành viên. Trong đó có 109 chi hội chăn nuôi, 79 chi hội trồng trọt và 63 chi hội tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ. Các chi hội nghề nghiệp giúp nông dân tập hợp theo ngành nghề, thuận lợi trong tổ chức sản xuất và là cầu nối giữa hội viên với chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, các mô hình sản xuất tại nhiều địa phương từng bước hình thành liên kết chuỗi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các chi hội nghề nghiệp còn tạo ra sự thay đổi trong tư duy hội viên, từ sản xuất nhỏ lẻ sang tổ chức theo chuỗi giá trị; từ kinh tế hộ sang hợp tác xã, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình bước đầu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá trị sản phẩm tăng... Một trong những mô hình điển hình là Chi hội nghề nghiệp sản xuất miến dong xã Ba Vì với 129 hội viên tham gia, tập trung chủ yếu tại thôn Minh Hồng. Từ chỗ sản xuất manh mún, thủ công, đến nay, các hộ liên kết sản xuất theo quy trình an toàn, chú trọng bảo vệ, xây dựng thương hiệu “Miến dong Minh Hồng”...
Ông Nguyễn Văn Duẩn, hội viên Chi hội chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi làm miến nhỏ lẻ, bán lẻ ở chợ nên giá thấp và bấp bênh. Từ khi vào chi hội, được tập huấn kỹ thuật, được hướng dẫn cách xây dựng bao bì, nhãn mác, sản phẩm miến của gia đình tôi bán qua siêu thị, đơn đặt hàng quanh năm, lợi nhuận tăng gấp đôi"...
Mô hình chi hội nghề nghiệp được thành lập trên tinh thần “lấy thế mạnh địa phương làm nền tảng, lấy liên kết làm động lực”. Tại xã Trần Phú - nơi có nghề làm vườn và cây cảnh truyền thống, Hội Nông dân xã đã xây dựng Chi hội cây cảnh thôn Quyết Tiến và Chi hội làm vườn thôn Tân Hội. Cả hai chi hội đều gắn với phong trào nông dân sản xuất giỏi, phát huy tiềm năng đất vườn để phát triển cây ăn quả, hoa cây cảnh có giá trị cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Phú Lê Hoài Thi cho biết, từ khi thành lập các chi hội nghề nghiệp, hội viên nông dân được tham gia sinh hoạt theo chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, cắt tỉa, ươm giống, tạo dáng cây cảnh… giá trị sản phẩm tăng, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn. Hay như tại Chi hội nuôi thủy sản thôn Triều Khê (xã Hòa Xá), Chi hội thủy sản xã Vân Đình đã phát huy tốt tiềm năng mặt nước ao hồ. Các hội viên hỗ trợ nhau trong phòng, chống dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học, kết nối tiêu thụ sản phẩm cá, tôm sạch qua các kênh chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử...
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa đánh giá: Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp theo hướng đặc thù tại cơ sở tạo điều kiện để nông dân tự nguyện tham gia tổ chức hội, từng bước hình thành các liên kết bền chặt trong sản xuất và tiêu thụ. Đây là bước đi quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại... Hội Nông dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp hội khảo sát kỹ tình hình sản xuất ở từng xã để xây dựng mô hình chi hội nghề nghiệp phù hợp, tránh trùng lặp và phát huy rõ thế mạnh của từng vùng miền. Hội tăng cường phối hợp tập huấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, mở rộng kênh tiêu thụ, hướng dẫn các chi hội nâng dần lên thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.
Từ thực tiễn mô hình chi hội nghề nghiệp ở Hà Nội có thể thấy, khi tổ chức hội “đúng vai”, đồng hành sát sao, phát huy lợi thế từng vùng, nông dân sẽ không đơn độc trên con đường phát triển. Sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị kinh tế, văn hóa và xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.