Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực vượt ngăn cách

Hoàng Linh| 29/04/2017 07:10

(HNM) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva trong chuyến thăm thứ hai của ông tới nước này trong vòng chưa đầy 7 tháng. Tại đây, hai bên đã thảo luận về các dự án kinh tế chung tại quần đảo mà Nga gọi là Kuril

Dù còn rào cản, Nga - Nhật Bản đã và đang rất nỗ lực nhích lại gần nhau hơn.



Quần đảo này là khu vực tranh chấp từ sau Thế chiến thứ II mà cả Tokyo và Mátxcơva đều tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, để tìm một lập trường chung trong giải quyết bất đồng dai dẳng là điều không dễ dàng. Trước hết, về nguyên tắc, không nước nào có thể cho đi một phần lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn là một đồng minh quân sự của Mỹ - vốn là quốc gia đối trọng với Nga nhiều năm qua. Vì lẽ đó, nếu “trao” Kuril cho Tokyo, Mátxcơva sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro về an ninh quốc phòng. Thậm chí, tình hình sẽ còn căng thẳng hơn rất nhiều nếu Nhật Bản hay Mỹ quyết định đặt vũ khí tối tân hoặc đóng quân tại khu vực này. Trong khi đó, nếu làm ngược lại, Nhật Bản cũng sẽ đón nhận những hệ quả tương tự, thậm chí có thể đối mặt với nhiều sức ép từ các nước phương Tây. Do vậy, trong bối cảnh giải quyết tức thời câu chuyện Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc gần như là điều không tưởng. Việc hai nước chuyển hướng sang tìm cách gia tăng hợp tác về kinh tế tại khu vực tranh chấp sẽ là giải pháp hợp lý và thuận lợi hơn. Đây cũng là nội dung được đề cập trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga. Theo đó, hai nước sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, bất kể việc ký kết hiệp ước hòa bình có trở thành hiện thực hay không.

Sự thực thì quan hệ giữa Tokyo và Mátxcơva đã có nhiều cải thiện trong vài năm trở lại đây. Chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe tới Nga (tháng 9-2016) và của Tổng thống V.Putin tới Nhật Bản sau đó 3 tháng đã đem lại không chỉ là những thỏa thuận hợp tác song phương mà còn cả cam kết đầy tích cực về việc tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế chung tại quần đảo tranh chấp. Đáng chú ý, cũng trong chuyến thăm vào năm ngoái, sau khi Thủ tướng S.Abe đọc cho nhà lãnh đạo Nga những bức thư bày tỏ mong muốn được tới thăm mộ phần của người thân do những người dân Nhật Bản từng sống ở quần đảo Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc viết, Tổng thống V.Putin cho biết sẽ điều một máy bay tới Nhật Bản để giúp những nguyện vọng chính đáng trên trở thành hiện thực. Động thái này được người đứng đầu Điện Kremlin hy vọng sẽ “góp phần tạo bầu không khí tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia”. Ngay sau cuộc hội đàm song phương, hai nhà lãnh đạo cũng cho biết một nhóm các quan chức và doanh nhân Nhật Bản sẽ tới quần đảo vào tháng tới để xem xét các cơ hội đầu tư tại khu vực này.

Chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe tới Nga cũng đã đánh dấu lần gặp mặt thứ ba của hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật, dấu hiệu cho thấy cả hai nước đều đang rất nỗ lực, bày tỏ thiện chí trong việc tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhằm gỡ đi "hòn đá tảng" trong quan hệ song phương. Với tâm lý này, những thảo luận về các chương trình phát triển chung diễn ra hết sức suôn sẻ và thuận lợi. Ngay trong cuộc gặp, hai bên đã đạt các thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngư nghiệp, du lịch. Thậm chí, liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác trong việc hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và kiềm chế các hành động khiêu khích.

Nhìn chung, dù vấn đề Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc vẫn là một rào cản khó khăn, việc hai nước mong muốn hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn là triển vọng đầy tích cực. Những cuộc gặp liên tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng cho thấy nỗ lực không ngừng để đạt được điều đó. Vì vậy, dẫu lời giải cho bài toán lãnh thổ sẽ còn kéo dài, nhưng ngay từ lúc này, mọi cố gắng từ hai phía chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ khởi tạo tiền đề, tiến tới xây dựng mối quan hệ sâu sắc, bền chặt và tốt đẹp hơn giữa Tokyo và Mátxcơva trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vượt ngăn cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.