Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực phòng ngừa, đẩy lùi “tham nhũng vặt”

Võ Lâm| 31/03/2020 07:48

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", nhiều cấp, ngành tại Đảng bộ thành phố Hà Nội đã triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, đẩy lùi “tham nhũng vặt”. Trong đó, những “liều thuốc” đặc trị như tăng cường công khai minh bạch, kiểm tra, giám sát đã, đang và sẽ được sử dụng.

Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố Hà Nội làm việc tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Ảnh: Hiền Chi

Thực hiện toàn diện các giải pháp

Nhằm ngăn chặn những hành vi “tham nhũng vặt”, thời gian qua, Đảng ủy phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đã tập trung xây dựng mô hình chính quyền thân thiện. Ông Đỗ Quân Long (tổ dân phố số 1, phường Đại Mỗ) cho biết: “Khi ra UBND phường Đại Mỗ làm chứng thực tôi rất ngại vì sợ bị cán bộ hạch sách. Nhưng có đến mới thấy, cán bộ ở đây hướng dẫn rất tận tình, chu đáo”.

Chia sẻ cách làm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ Công Phương Khoa cho biết: “Chúng tôi quan niệm làm cán bộ tiếp xúc với dân phải có cảm xúc sẻ chia. Nếu là người biết sẻ chia thì có làm ngoài giờ cũng sẵn lòng”. 

Cũng là địa chỉ được công dân đánh giá cao về tinh thần phục vụ, Đảng ủy xã Yên Viên, huyện Gia Lâm chỉ đạo cán bộ, công chức xã phải quán triệt tinh thần lấy sự hài lòng của người dân là “thước đo” hiệu quả công việc. Bà Lê Phương Loan (thôn Lã Côi) chia sẻ: “Tuần vừa rồi tôi bận công việc nên phải ra phường làm thủ tục vào chiều thứ bảy. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng khi nghe trình bày, cán bộ xã đã nhanh chóng đáp ứng”.

Không chỉ có ở một hai phường, xã nêu trên, tại những quận, huyện như: Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân... các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn “tham nhũng vặt” đã được áp dụng đại trà, tạo chuyển biến rõ nét trong mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Đây cũng là những địa phương có vị trí cao trong bảng xếp hạng cải cách hành chính của thành phố trong những năm qua.

Ở cấp thành phố, nhằm ngăn chặn “tham nhũng vặt”, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện khâu đột phá cải cách hành chính. Theo Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh, để phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu, thành phố đã thực hiện hàng loạt biện pháp tăng cường trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Nổi bật là giai đoạn 2016-2019, thành phố chỉ đạo hơn 2.300 tổ chức, đơn vị triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch; kiểm tra hơn 1.800 cơ quan, đơn vị về thực hiện các quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác hơn 2.200 người trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp...

Đặc biệt, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo khảo sát tại 7 cơ quan, đơn vị về tình trạng “tham nhũng vặt”, trên cơ sở đó, ban hành Công văn số 1243-CV/TU ngày 23-8-2019 chỉ đạo, định hướng các biện pháp phòng, chống “tham nhũng vặt” đồng bộ, toàn diện. Tất cả những nỗ lực trên đã góp phần tạo môi trường đầu tư ngày càng thân thiện, hấp dẫn của Hà Nội.

Sẽ tiếp tục làm mạnh

Mặc dù vậy, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, thậm chí còn tinh vi hơn”.

Đứng trước thực trạng đó, bước vào năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, nhiều cấp, ngành thành phố tiếp tục đề ra các giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi “tham nhũng vặt”, khắc phục triệt để tệ sách nhiễu, phiền hà người dân. Trong đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải phát huy vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân. “Không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sắc bằng sự giám sát của nhân dân”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cụ thể hóa quyết tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngăn ngừa tệ nhũng nhiễu, UBND thành phố xác định, năm 2020, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cập nhật, theo dõi tình hình thực hiện thông qua hệ thống thông tin “một cửa” điện tử. Thành phố yêu cầu 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công của thành phố; 100% các kiến nghị, phản ánh của người dân, tổ chức và doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý giải quyết kịp thời, đúng thời gian theo quy định pháp luật để qua đó góp phần hạn chế "tham nhũng vặt".

Thể hiện quyết tâm chung tay cùng thành phố trong nhiệm vụ này, Đảng ủy phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thuộc UBND phường phải thực thi công vụ trên nguyên tắc “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”. Ngoài ra, phường tổ chức giám sát chéo giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các bộ phận để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm trong thực hiện quy tắc ứng xử.

Trong khi đó, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết, quận sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra công vụ thường xuyên và 3 đoàn kiểm tra công vụ đột xuất để kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính - trong đó có tình trạng "tham nhũng vặt" - tại các đơn vị trực thuộc trong suốt cả năm 2020.

Nhận thức sâu sắc về sự nguy hại, dưới sự chỉ đạo thống nhất từ Thành ủy Hà Nội, bằng kinh nghiệm nhiều năm qua và đồng thuận từ thành phố xuống cơ sở, Hà Nội quyết tâm từng bước đẩy lùi “tham nhũng vặt”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực phòng ngừa, đẩy lùi “tham nhũng vặt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.