Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ước vọng dưới chân tượng đài...

Hiền Phương| 15/12/2022 14:35

(HNMO) - Tự hào về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ngày 15-12, Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã tổ chức tọa đàm "50 năm âm vang "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 12/1972-12/2022 - Ký ức oai hùng", giao lưu nhân chứng lịch sử từng tham gia làm nên chiến công oanh liệt đó. Những bài học về tinh thần dũng cảm vượt khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ không quân năm xưa là điểm tựa để các phi công trẻ của Sư đoàn tiếp tục xác định trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới...

Các nhân chứng tham gia chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 371.

Ký ức oai hùng

Tại buổi giao lưu, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã được Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Phạm Tuân chia sẻ về tầm nhìn chiến lược của Đảng, của Bác Hồ về việc giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân “phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến máy bay B-52”; công tác xây dựng kế hoạch đánh bại B-52 của Bộ Tư lệnh Quân chủng từ rất sớm; công tác chuẩn bị và tổ chức đánh B-52 - những khó khăn và thách thức.

Trung tướng Phạm Tuân khẳng định: “Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng năm 1972 chứa đựng những nét độc đáo mà chỉ có nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân nói riêng mới sáng tạo ra. Đặc biệt, lực lượng không quân đã có những cách đánh đặc sắc, tiêu diệt B-52, phá vỡ đội hình địch từ xa, tạo điều kiện cho các lực lượng phòng không đánh địch hiệu quả, góp phần làm nên chiến thắng”.

Là sĩ quan dẫn đường trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Thượng tá Trần Đức Tụ, nguyên giảng viên Khoa Quân chủng, Học viện Chính trị quân sự, nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371 chia sẻ về những khó khăn trong việc dẫn đường cho máy bay ta cất cánh trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972.

Ông nói: “Nhiệm vụ dẫn đường trong điều kiện chiến tranh ác liệt như cuộc kháng chiến chống Mỹ là rất khó khăn. Nhiệm vụ này lại càng khó khăn hơn trong chiến dịch 12 ngày đêm bởi B-52 bay cao, bay đêm và gây nhiễu mạnh, gây khó cho bộ phận dẫn đường trong quá trình tìm và xác định chính xác mục tiêu. Trong chiến dịch này, tôi vinh dự được làm nhiệm vụ dẫn đường cho nhiều phi công, trong đó có phi công Trần Việt và phi công Phạm Tuân bay thực hiện nhiệm vụ”.

Thượng tá Bùi Văn Cơ, nguyên trợ lý kỹ thuật Không quân, Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Trung đoàn phó Kỹ thuật, Trung đoàn 972 (Sư đoàn Không quân 371) nhớ lại: “Cuối năm 1972, tôi được giao nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật về vũ khí, bom đạn, ra đa... để máy bay MiG cất cánh. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, ban ngày chúng tôi phải trực chiến, tối về mới sửa chữa máy bay, thế nhưng đơn vị vẫn luôn bảo đảm máy bay không hỏng hóc hay gặp sự cố trước khi cất cánh. Đối với không quân, mọi chiến thắng đều bắt nguồn từ mặt đất, vì vậy, trước mỗi trận đánh, có hàng trăm người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn kỹ thuật hàng không. Và khi phải chứng kiến những đồng đội hy sinh khi làm nhiệm vụ, chúng tôi rất đau lòng...”.

Đại tá Nguyễn Huy Tuấn, Chính ủy Sư đoàn Không quân 371 tặng hoa cho các nhân chứng tại buổi giao lưu.

Xứng đáng là “cái nôi” của không quân nhân dân Việt Nam

Giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 371, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt của Không quân nhân dân Việt Nam trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong đó có Sư đoàn Không quân 371.

Các khách mời còn căn dặn cán bộ, chỉ huy đơn vị một số giải pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng với đơn vị được ưu tiên hiện đại hóa, tiến thẳng lên hiện đại.

“Phát huy những bài học, kinh nghiệm quý báu trong chiến đấu của cha anh đi trước, phi công trẻ của Sư đoàn Không quân 371 cần trau dồi luyện tập thật tốt, thật giỏi để làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhắn nhủ.

Sư đoàn Không quân 371, tiền thân là Bộ Tư lệnh Không quân, được thành lập ngày 24-3-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ, với tinh thần “dám đánh, biết đánh và biết đánh thắng”, lớp lớp cán bộ, phi công của Sư đoàn đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh, táo bạo.

Đặc biệt, trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972, cùng với nhân dân cả nước, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 371 đã mưu trí, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tổ chức đánh chặn từ xa, phá vỡ nhiều đợt tập kích lớn của địch. Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch ấy, trung bình mỗi chiếc máy bay của Sư đoàn đã xuất kích 24 lần, bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 chiếc B-52; cùng với quân và dân cả nước làm nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn Không quân 371 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân, với trang bị được biên chế là Sư đoàn Không quân hỗn hợp quản lý và khai thác sử dụng các loại máy bay hiện đại.

Đại tá Lê Chung Nam, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371 cho biết, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nghệ thuật quân sự của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Quân chủng Phòng không - Không quân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn thường xuyên, chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; khai thác, sử dụng có hiệu quả tính năng kỹ chiến thuật của các vũ khí, trang bị khí tài, cùng với các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời, biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ bay biểu diễn tại Triển lãm quốc tế quốc phòng Việt Nam 2022 và được nghe những chia sẻ về ký ức hào hùng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của các nhân chứng góp phần làm nên chiến thắng, Thiếu tá Đồng Đại Dương, Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 927 chia sẻ: “Hiện tại, đơn vị tôi vinh dự được khai thác và sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại, đó là máy bay Su30MK2. Tôi sẽ học tập, rèn luyện sức khỏe, sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao trình độ bay”.

Tiết mục văn nghệ tại buổi tọa đàm do cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Không quân 371 biểu diễn.

Đến từ Trung đoàn 921 - cái nôi của Không quân nhân dân Việt Nam, Thượng úy Lê Chí Cường, phi công Phi đội 2 chia sẻ: “Qua buổi giao lưu, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện bay và thấy cần phải phát huy hơn nữa những kinh nghiệm của các nhân chứng. Tôi sẽ thường xuyên tham gia huấn luyện những bài bay gắn liền với thực tế chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Trên mảnh đất lịch sử của Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng tượng đài Không quân nhằm ghi nhớ và tôn vinh những đóng góp to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ không quân.

Dưới chân tượng đài, thế hệ trẻ của Sư đoàn hôm nay vẫn đang kể tiếp câu chuyện sống, chiến đấu và hóa thân vào bầu trời của những phi công thế hệ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những tấm gương hy sinh cao cả, sự anh dũng trong chiến đấu của họ như truyền thuyết Thánh Gióng trên mảnh đất Sóc Sơn năm nào đang tiếp thêm sức mạnh để các phi công trẻ hôm nay vững tin bay và làm chủ bầu trời...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ước vọng dưới chân tượng đài...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.