Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sư đoàn Không quân 371 tham gia đánh B-52

Đại tá Nguyễn Huy Tuấn| 22/12/2022 06:42

(HNM) - Từ đầu năm 1968, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng kế hoạch đánh máy bay B-52. Thời điểm đó, lực lượng không quân của ta chỉ có Sư đoàn Không quân 371 (lúc bấy giờ gọi là Bộ Tư lệnh Không quân). Phi công cũng chưa có nhiều giờ bay, đa số mới được huấn luyện từ nước ngoài về tham gia chiến đấu với loại máy bay chủ yếu là tiêm kích MiG-17, MiG-19, MiG-21.

Máy bay MiG-21 xuất kích tiêu diệt máy bay địch, tháng 12-1972. Ảnh Tư liệu TTXVN

Quyết tâm bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội

Để thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt máy bay B-52 của Mỹ bằng các máy bay tiêm kích hiện có, công tác chuẩn bị đã được Bộ Tư lệnh Không quân triển khai khẩn trương, nghiêm túc với quyết tâm bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội.

Đầu tiên phải nói về cách đánh. Máy bay B-52 phần lớn tấn công ban đêm. Trong điều kiện lực lượng bay đêm của không quân ta còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, tháng 7-1968, cấp trên quyết định thành lập phi đội bay đánh đêm (thuộc Trung đoàn 921), gồm nhiều thế hệ bay khác nhau nhưng phần lớn là các phi công tốt nghiệp năm 1968, có kinh nghiệm và trình độ bay tốt.

Đến cuối năm 1970, việc nghiên cứu và tìm cách đánh B-52 vẫn gặp khó khăn. Bộ Tư lệnh Không quân đã tổ chức một đoàn nghiên cứu, trong đó các phi công có kinh nghiệm chiến đấu (Đinh Tôn, Đặng Xây, Hoàng Biểu, Vũ Đình Rạng…) do Phó Tư lệnh (Phó Sư đoàn trưởng) Trần Mạnh trực tiếp chỉ huy vào Khu 4 khảo sát thực tế. Ban ngày, đoàn nghiên cứu trèo lên đỉnh đèo Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình) quan sát B-52 hoạt động để tìm cách dẫn máy bay lên đánh. Khó khăn lớn nhất vẫn là hàng rào tiêm kích dày đặc, dẫn như thế nào để máy bay của ta qua được hàng rào bảo vệ này mà không phải đụng đầu với máy bay địch...

Một phương án dùng MiG-21 đánh B-52 đã được vạch ra và Quân chủng chấp thuận, với yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối. Đó là sau khi cất cánh phải bay thấp để tránh ra đa từ các tàu chiến phát hiện. Trong khi đó, các trạm ra đa của ta phải thực hiện những quy ước về mật hiệu cất cánh, dẫn đường thật chặt chẽ, phải tổ chức nghi binh khôn khéo; sử dụng chiến thuật “đi thấp, kéo cao”. Đó là khi cách mục tiêu 80-100km phi công kéo cao đến 6.000m, xin phép cắt thùng dầu phụ; khi đạt độ cao 8.000m bật tăng lực toàn phần tiếp tục lấy độ cao vào tầng bình lưu, đưa tiêm kích vào vị trí chiến thuật có lợi để tiếp cận, bám sát và công kích mục tiêu, sau đó thoát ly về hạ cánh an toàn. Quá trình nghiên cứu, tìm cách đánh B-52 của lực lượng không quân được triển khai tích cực.

Đến đêm 20-11-1971, phát hiện có B-52 ở bắc Sầm Nưa 60km, phi công Vũ Đình Rạng trực chiến tại sân bay Anh Sơn được lệnh cất cánh, công tác chỉ huy, dẫn dắt được chuẩn bị chu đáo. Phi công đã vượt qua được hàng rào F-4 và tiếp cận trực tiếp với B-52, phóng một quả tên lửa. Phát hiện chiếc B-52 thứ hai đang ở phạm vi công kích có lợi, Vũ Đình Rạng phóng tiếp quả tên lửa còn lại và thoát ly, hạ cánh an toàn ở sân bay Anh Sơn. Đây là trận đầu tiên không quân Việt Nam đối mặt với B-52. Đây cũng là chiến công đáng ghi nhớ về bước trưởng thành của không quân ta, qua đó càng khẳng định thêm rằng MiG-21 hoàn toàn có thể bắn rơi B-52 của Mỹ.

Sau trận đánh, “Phương án năm cánh sao”, tức là kế hoạch đánh địch trên 5 hướng để bảo vệ Hà Nội của không quân được hình thành và sớm được hoàn chỉnh. Đó là phương án Bộ đội Không quân kết hợp chặt chẽ với hỏa lực phòng không của các đơn vị bạn, cả vòng trong và vòng ngoài, tuyến trước và tuyến sau, trên không và mặt đất. Đội ngũ phi công chiến đấu bay đêm được kiện toàn và tăng cường huấn luyện. Mục tiêu đề ra là: “Bằng bất kỳ giá nào cũng phải bắn rơi được máy bay B-52 nếu chúng liều lĩnh tấn công vào Hà Nội”.

Trực tiếp bắn rơi B-52

Sang năm 1972, MiG-21 lại được lệnh xuất kích đánh máy bay B-52 nhưng chưa thành công. Trung tuần tháng 12-1972, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng, Bộ Tư lệnh Không quân đã chỉ thị cho các đơn vị sơ tán triệt để các máy bay trên sân bay. Những máy bay trực chiến, bom đạn, các xe chuyên dùng được để trong hầm và cất giấu ở những nơi an toàn, ngụy trang kín đáo, không để máy bay trinh sát địch phát hiện.

Về công tác chuẩn bị đường băng cất cánh, Bộ Tư lệnh Không quân đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau với nhiều sân bay dự bị, sân bay dã chiến; địch đánh hỏng đường băng chính, ta dùng đường băng phụ, đường băng phụ hỏng, ta dùng đường lăn, đường lăn phụ hỏng thì ta cất cánh từ sân bay dã chiến, vòng ngoài với quyết tâm “Địch phá, ta sửa ta bay”.

Các sân bay mà Bộ Tư lệnh Không quân chuẩn bị cho chiến dịch, gồm: Nội Bài, Gia Lâm, Kép, Yên Bái, Hòa Lạc, Bạch Mai, Kiến An; ngoài ra còn có hệ thống sân bay dã chiến bí mật ở vòng ngoài, như: Cẩm Thủy, Điền Trạch, Tân Trại, Phú Thọ, Nà Sản (Sơn La), Miếu Môn… Bước vào chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, Sư đoàn Không quân 371 có hai nhiệm vụ chính: Nhiệm vụ cơ bản là phá đội hình gây nhiễu và đội hình tiêm kích yểm hộ máy bay B-52 để ra đa và tên lửa phòng không “vạch nhiễu diệt thù”. Nhiệm vụ còn lại cũng rất quan trọng là trực tiếp tiêu diệt B-52. Đây không chỉ là mệnh lệnh quân sự mà còn là nhiệm vụ chính trị. Ngoài lực lượng thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Sư đoàn Không quân 371 còn có nhiệm vụ sử dụng máy bay vận tải, trực thăng làm nhiệm vụ vận chuyển, sơ tán máy bay, khí tài quan trọng, cũng như đưa cán bộ đi kiểm tra, đôn đốc hoạt động chiến đấu…

Trên cơ sở cách đánh chủ yếu của chiến dịch là đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng, cách đánh của không quân là sử dụng lực lượng từ 2 đến 4 chiếc, tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, táo bạo, thọc sâu, sử dụng sân bay dã chiến, cất cánh đánh địch từ vòng ngoài. Chiều 27-12-1972, phi công Phạm Tuân được dẫn dắt cất cánh từ Nội Bài cơ động lên Yên Bái bảo đảm an toàn, bí mật. 22h20, được lệnh của Sở Chỉ huy, phi công Phạm Tuân cất cánh từ Yên Bái, khi đến Sơn La, phát hiện được đội hình B-52 của địch đã khôn khéo vượt qua hàng rào F-4, bay ngang đến chiếc B-52 ở sau cùng trong tốp. Khi đó phi công Phạm Tuân phóng liền 2 quả tên lửa vào chiếc B-52 rồi lao xuống, thoát ly, trở về sân bay Yên Bái. Đêm 28-12-1972, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa), bí mật bay vòng sau đội hình B-52 và đến vùng trời Sơn La thì gặp địch. Do cự ly quá gần, Vũ Xuân Thiều đã quyết định phóng tên lửa nhưng khi mục tiêu địch trúng đạn thì máy bay cũng lao vào đám cháy và anh dũng hy sinh.

Tổng kết Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Sư đoàn Không quân 371 tham gia xuất kích 24 trận (30 lần chiếc máy bay), bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 B-52, đồng thời cản phá, phá vỡ đội hình địch từ xa, tạo điều kiện cho lực lượng tên lửa đánh địch thuận lợi.

Thắng lợi của Sư đoàn Không quân 371 trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã cùng với các lực lượng của quân và dân miền Bắc làm thất bại chiến dịch Linebacker II, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chiến thắng đó thể hiện sinh động về tài trí, bản lĩnh và tinh thần quả cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn; khẳng định sự trưởng thành của bộ đội không quân, sự tài tình trong chỉ đạo tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân. Đó còn là thắng lợi mang ý nghĩa quốc tế sâu sắc, lần đầu tiên trên thế giới, dưới sự điều khiển của phi công Việt Nam, những chiếc tiêm kích MiG-21 đã bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sư đoàn Không quân 371 tham gia đánh B-52

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.