Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ung nhọt cần cắt bỏ

Hoàng Thu Vân| 14/12/2011 07:22

(HNM) - Từ vụ tai nạn thương tâm xảy ra sáng 7-12 khi chiếc xe chở gỗ bị lật trên quốc lộ 48 (đoạn qua huyện Con Cuông, Nghệ An) khiến 10 người tử vong và nhiều nạn nhân khác bị thương nặng, tới thời điểm này, những uẩn khúc phía sau sự việc đã dần sáng tỏ.


Ba cán bộ kiểm lâm, trong đó có hai trạm trưởng đã bị cơ quan chức năng khởi tố, ra lệnh bắt khẩn cấp. Theo lời khai ban đầu, vụ việc còn liên quan tới một cán bộ kiểm lâm làm "sếp" của những đối tượng đã bị bắt giữ...

Mấy năm qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn ra ngày càng nóng bỏng. Hàng chục héc ta rừng ở nhiều xã, nhiều huyện, hàng trăm héc ta rừng ở nhiều tỉnh "không cánh mà bay". Vì sao? Ấy là do lâm tặc hoành hành, công khai vận chuyển gỗ ra khỏi những cánh rừng.

Tồn tại tình trạng đó, nhiều hội nghị, hội thảo cả chuyên ngành và mở rộng đã chỉ ra rằng, thủ đoạn hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi, sẵn sàng sử dụng bạo lực khi bị phát hiện... trong khi lực lượng kiểm lâm thì vừa thiếu, vừa yếu, đời sống còn nhiều khó khăn, và chốt lại là không đảm trách nổi nhiệm vụ được giao.

Để bảo vệ cho sự tồn tại của nhiều khu rừng, đã có những kiểm lâm viên phải đổ máu khi đối đầu với lâm tặc.

Nhưng cần phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy thêm một nguyên nhân vô cùng quan trọng, đó là sự cấu kết của một bộ phận cán bộ kiểm lâm với lâm tặc trong việc triệt hạ những khu rừng. Nói cách khác là có không ít những kiểm lâm đã bị "biến chất", trở thành những lâm tặc có thể hiện diện công khai, chặt phá rừng công khai, vận chuyển lâm sản trái phép công khai... khi đang mang trên mình bộ quần áo thực thi công vụ.

Lâm tặc là ai? Một phần trong đó chính là những kiểm lâm thoái hóa, biến chất. Các đối tượng ấy còn nguy hiểm hơn cả những lâm tặc bình thường khi rành rẽ mọi đường đi nước bước và biết cách làm thế nào để "phù phép" những cánh rừng an toàn nhất, thu lợi "từ gốc đến ngọn" những sản vật từ rừng... Cũng vì có những kiểm lâm như thế mà lâm tặc ngày càng lộng hành, khó bị triệt tiêu.

Tương tự như vậy, than thổ phỉ là ai? Ngoài những than thổ phỉ "xịn" còn có cả các cán bộ trong ngành than móc ngoặc, cấu kết với nhau để trục lợi. Ấy là những than thổ phỉ cỡ bự, còn nguy hiểm và đáng sợ hơn cả những than thổ phỉ bình thường. Tháng 8 vừa qua, 16 cán bộ, công nhân ngành than đã phải đứng trước vành móng ngựa khi đã bán đứng lợi ích của công ty, lợi ích của quốc gia để hạ phẩm cấp của hơn 4.000 tấn than, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Ấy cũng chỉ là một vụ việc trong hàng chục vụ việc mà Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố có liên quan tới cán bộ ngành than.

Tham nhũng là ai? Liệu những con người bình thường, không mang những vị trí, trọng trách được giao phó có cơ hội để tham nhũng?

Nói vậy để thấy, trong cuộc chiến chống lâm tặc, chống than thổ phỉ, chống nạn mãi lộ trên các tuyến đường... và cả chống tham nhũng, việc đầu tiên cần làm là phải làm trong sạch đội ngũ những người thực thi công vụ. Cùng với đó là phải có những cơ chế, chính sách chặt chẽ trong quản lý mà đầu tiên là quản lý con người, ngăn ngừa những kẽ hở, những điều kiện có thể phát sinh những hành vi trục lợi. Và trên hết, có lẽ chính những ngành đang tồn tại tình trạng trên cũng cần tổ chức những hội thảo, hội nghị về vấn đề này dù rằng chẳng ai muốn "vạch áo cho người xem lưng", nhưng không như thế, làm sao có thể biết được những ung nhọt đang tồn tại để có thể loại bỏ? Vẫn biết làm được như vậy khó hơn rất nhiều so với chuyện tổ chức báo cáo thành tích, trao giấy khen... và tất cả cùng vỗ tay hỉ hả. Nếu không cắt bỏ những ung nhọt này, chắc chắn chuyện những lâm tặc, than thổ phỉ... lại là những người được giao trọng trách thực thi công vụ còn tồn tại dài dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ung nhọt cần cắt bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.