Thời gian vừa qua, tại Hà Nội xuất hiện nhiều chim hoang dã cỡ lớn về trú ngụ. Chúng chọn những cây xanh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) và hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình)… để làm tổ và kiếm ăn.
Nhằm tạo sự đa dạng sinh học, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai một số biện pháp để bảo vệ đàn chim hoang dã.
Trong tháng 8 vừa qua, xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm có hàng trăm cá thể chim hoang dã, như: Cò xanh, cò trắng, diệc, vạc, vịt trời… về trú ngụ. Anh Đàn Xuân Thuận, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Hà Nội cho biết, giữa trung tâm Thủ đô nhộn nhịp mà có những đàn chim hoang dã kéo về làm tổ và kiếm ăn, chứng tỏ không gian sống ở khu vực này an toàn, công tác bảo vệ môi trường sinh thái cũng như ý thức giữ gìn sự đa dạng sinh học của người dân ở Thủ đô được nâng cao.
Còn bà Nguyễn Thị Loan ở phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) cho biết, gần đây, nhiều chim hoang dã xuất hiện ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đây là dấu hiệu tốt, chứng tỏ không gian xanh ở Hà Nội ngày càng phát triển.
Tương tự, tại đền Thủy Trung Tiên nằm trên đảo giữa lòng hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình), nhiều năm nay cũng trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm con vạc, diệc, cò… Anh Nguyễn Tiến Tuấn, bảo vệ tại đền cho hay, đàn chim này làm tổ trên các ngọn cây xanh xung quanh đền. “Để bảo vệ chim, chúng tôi phối hợp với Công an phường Trúc Bạch và Hạt Kiểm lâm số 2 tuyên truyền cho khách thập phương đến tham quan và người dân không săn bắt, bẫy chim hoang dã”, anh Tuấn thông tin.
Không chỉ có những đàn chim hoang dã kéo về một số khu vực nội thành trú ngụ mà tại các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội từ lâu đã trở thành vườn chim tự nhiên lớn. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển Việt Nam ghi nhận, ở khu vực này có khoảng 232 loài chim, trong đó có 192 loài di cư, bao gồm cả các loài cực kỳ nguy cấp về trú ngụ.
Để bảo vệ đàn chim hoang dã trú ngụ xung quanh khu vực hồ Trúc Bạch, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 2 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) Nguyễn Văn Ổn cho biết, vào các buổi chiều đàn chim kéo về rất đông, nên hạt thường xuyên cử cán bộ xuống phối hợp với Công an phường Trúc Bạch tuần tra, nhắc nhở người dân không bẫy, bắt chim. Hạt cũng xây dựng nội dung tuyên truyền phát trên loa truyền thanh của phường Trúc Bạch về các quy định bảo vệ chim di cư, chim hoang dã, nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách đến tham quan.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Quang Vinh, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26-4-2024 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn thành phố, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã yêu cầu các hạt kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã trái phép và việc bẫy, săn bắt chim tại khu vực hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm và trên các cánh đồng, dọc hai bên sông Hồng... Các đội cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng chủ động phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, kiểm soát tại các tụ điểm, các tuyến đường, bến tàu, bến xe và các chợ chim, cửa hàng lưu niệm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến 2024, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển thực hiện nhiều hoạt động điều tra về thành phần loài, các mối đe dọa tới quần thể và sinh cảnh của chim hoang dã dọc các bãi bồi trên sông Hồng để triển khai các biện pháp bảo tồn. Trung tâm đề xuất UBND thành phố Hà Nội lập khu bảo tồn chim hoang dã và các khu công viên thiên nhiên ở vùng bãi và cồn lớn trên sông Hồng, nhằm thúc đẩy các hoạt động giáo dục trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh và khách du lịch khi đến Thủ đô.
Ngoài ra, để bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật hoang dã có nguồn gen quý, hằng năm, thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, quận huyện, thị xã quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị không tiêu thụ, không săn bắt, mua bán, giết mổ, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã. UBND thành phố cũng yêu cầu huyện Ba Vì kiểm tra, rà soát, có báo cáo làm rõ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý, đề xuất quy hoạch khu bãi giữa Văn Lang - Ba Vì thành khu bảo vệ các loài chim hoang dã...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.