LTS: Dạy học là nghề cao quý nhất. Thầy, cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy trẻ cách làm người. Tri ân với những người đang đảm nhiệm sứ mệnh cao cả, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Hànộimới dành những lời viết về các thầy, cô giáo đang hằng ngày gieo chữ trên những vùng đất xa xôi, những điểm trường khó khăn nhất của Thủ đô...
Bài 1: Niềm vui giản dị
Tại vùng đất bán sơn địa của huyện Mỹ Đức, tôi đã gặp thầy và trò của những điểm trường nghèo hằng ngày vẫn phải dắt nhau đi học nhờ, học tạm. Bao khó khăn ngổn ngang, chồng chất nhưng ngày ngày thầy vẫn đứng lớp, trò vẫn đến trường. Tận mắt thấy mới thấm thía vì sao niềm vui của những người thầy nơi đây lại giản dị đến thế…
Cô và trò Trường Mầm non An Phú (huyện Mỹ Đức). |
Nỗi lo trường tạm
Sau chặng đường gần 60km từ trung tâm thành phố, tôi đến xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức). Vùng quê nghèo ẩn khuất trong những dãy núi đá xanh thẫm uốn lượn, những ngôi nhà, tường bao được xây từ đá núi vốn là một đặc trưng dễ nhận dạng của vùng đất này. Đến cổng UBND xã Hùng Tiến tôi đã nhìn thấy đồ chơi của trẻ em xếp ở sân, tiếng hát véo von vọng ra từ các lớp học. Một dãy nhà 2 tầng của UBND xã trở thành trường mầm non. Vì phải chuyển đổi công năng bất đắc dĩ nên toàn bộ lan can, cầu thang nhà trường phải gia cố thêm rào sắt; hành lang thành nơi để đồ dùng lớp học. Hằng ngày, các cô giáo phải thay nhau xách nước lên tầng 2 đổ vào những chiếc xô đã được chế thêm vòi để phục vụ học sinh. Toàn bộ hoạt động ngoài lớp học của học sinh đều diễn ra ở sân của UBND xã…
Trường Mầm non xã Hùng Tiến có 479 học sinh học tại 6 điểm, đều là học nhờ, học tạm từ nhiều năm nay. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thám khoe rằng, điểm trường học nhờ tại Nhà văn hóa thôn Nông Khê là đẹp và khang trang nhất, vì được tận dụng từ Trường Tiểu học Hùng Tiến cũ. Sự thay đổi duy nhất là nền nhà bằng xi măng trước đây nay được thay bằng nền gạch và bục giảng được “gọt” đi tạo mặt phẳng. Lớp học được trang trí bằng những bức tranh do các cô giáo tự vẽ để lấp đi những mảng tường cũ loang lổ. Còn tại điểm trường thôn Đông Bình và thôn Trung Hòa, cũng đều được hoán đổi từ lớp tiểu học. Dấu ấn thời gian hằn in trên những cánh cửa gỗ cũng đã vài chục năm tuổi. Điểm trường thôn Đông Bình có mặt tiền khá đẹp vì quay ra hồ nước, nhưng phía sau lưng, 2 ô cửa sổ đã phải xây bịt để tránh mùi hôi từ khu chăn nuôi lợn của hộ gia đình liền kề, dĩ nhiên cũng chẳng ngăn được bao nhiêu vì mùi xú uế vẫn luôn phảng phất. Đau đáu hơn cả là điểm trường ở thôn Trung Hòa vốn tận dụng 3 phòng học của trường tiểu học cũ nằm trơ trọi giữa cánh đồng ngô và dâu, không tường bao, không có nước sạch, nhà vệ sinh đã hỏng. Sân trường trước đây là thửa ruộng trũng, để an toàn cho trẻ, các cô giáo đã xin gạch ngói vỡ thải ra từ các hộ xây nhà về lấp đầy. Nhưng sân cũng chẳng ra sân vì lổn nhổn gạch ngói, mọi hoạt động của học sinh chỉ gói gọn trong 4 bức tường.
Rời xã Hùng Tiến, những con đường quanh co gắn với dải đá vôi đưa tôi về xã An Phú. Là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Mỹ Đức, An Phú được Nhà nước quan tâm đầu tư nên hệ thống trường, lớp đỡ chật vật hơn so với xã Hùng Tiến, tuy vậy vẫn chưa thoát hẳn cảnh học nhờ, học tạm. Xã có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều nên đưa học sinh về học tại trường trung tâm rất khó khăn. Điểm Trường Mầm non Thanh Hà cách trung tâm xã hơn 6km, vốn mượn tạm địa điểm Nhà văn hóa thôn, cũng không có tường bao. Cô giáo Bạch Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã An Phú chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước nên Trường đã dồn được từ 6 điểm lẻ về còn 4 điểm, việc dạy và học tập trung hơn, số trẻ đến trường đã ngày càng tăng. Trong khi đó, Trường Tiểu học của xã có 772 học sinh, học tại 4 điểm trường, điểm khó khăn nhất nằm ở thôn Thanh Hà và Đồng Chiêm. Ở đây, nhiều phòng học đã xuống cấp, không có sân chơi, không có cổng, tường rào. Thậm chí, nhà vệ sinh tuy có nhưng không thể sử dụng được vì đã hỏng từ lâu.
Yêu trẻ bằng những việc làm thiết thực
Số học sinh nghèo ở xã miền núi An Phú chiếm non nửa và học sinh thuộc dân tộc Mường chiếm 80%. Chứng kiến việc học ở những vùng khó khăn mới thấm thía công lao của những người thầy. Thầy giáo Lại Xuân Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phú tâm sự: Do có chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho học sinh nghèo xã miền núi, nên những năm gần đây tỷ lệ học sinh chuyển cấp đạt 100%. Phần lớn, cha mẹ các em rời quê bươn chải kiếm việc làm ở thành phố nên nhiều em phải sống với ông, bà hoặc chỉ mấy anh em sống cùng nhau. Do vậy, nhà trường đặc biệt coi trọng việc giữ mối liên hệ với gia đình. Giáo viên phải luôn để ý đến từng học sinh, có biểu hiện gì khác thường phải báo ngay về gia đình. Những em nghỉ học bất thường, giáo viên phải đến tận nhà hỏi thăm, động viên các em trở lại trường.
Tình yêu trẻ, lòng nhiệt huyết với nghề của các thầy, cô giáo ở đây không hoa mỹ mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Cô Nguyễn Thị Thám chia sẻ: Cả nhà trường và phụ huynh cùng khó khăn nên hầu hết đồ chơi cho các cháu giáo viên phải tự làm, tự sáng tạo. Nguồn thu xã hội hóa rất hạn chế nên nhiều khi các cô giáo phải tự trích lương của mình để mua đồ bổ sung cho nhà bếp. Hay những ngày thứ bảy, chủ nhật giáo viên cùng phụ huynh chở đất đá về lấp đầy khu ruộng trũng ở điểm trường thôn Trung Hòa. Những chậu hoa xinh xắn nơi đây chỉ đơn giản trồng trong hộp sữa, chai nhựa được các cô giáo khéo léo cắt tỉa… Chỉ tình yêu với trẻ mới giúp các thầy, cô vượt qua được gian khó về điều kiện vật chất, đắm đuối với nghề đến thế. Gắn bó với nghề đã 35 năm, cô Nghiêm Thị Vịnh, Hiệu phó Trường Mầm non xã Hùng Tiến cho biết: Tôi là cô giáo trông trẻ từ khi lương còn được trả bằng thóc, trường lớp không có, cái gì cũng phải dựa vào dân. Dần dần, được Nhà nước quan tâm, phụ huynh cũng có ý thức hơn trong việc đưa trẻ đến trường nên chúng tôi cũng được an ủi phần nào… Trong trường, các cô Bùi Thị Tuyết, Trần Thị Huyền, Nguyễn Thị Phương gia cảnh còn khó khăn; những giáo viên dạy học cả chục năm nhưng đồng lương vẫn chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, hay những người theo đuổi nghề đã 5, 7 năm nhưng vẫn nhận mức lương tối thiểu mới thấy nhiệt huyết của họ. Ngày nào cũng thế, việc ở trường từ sáng đến tối, đồng lương eo hẹp, muốn làm thêm việc gì cũng khó vì không còn thời gian, song ai cũng luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Gặp phóng viên, anh Nguyễn Văn Chiến, phụ huynh đón con tại điểm trường thôn Thanh Hà (xã An Phú) cởi mở: Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con ở đây, vì các cô rất nhiệt tình và yêu trẻ lắm. Chỉ mong trường lớp được xây dựng khang trang hơn nữa để các thầy cô đỡ vất vả, học sinh có nơi học tập tốt hơn.
Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến bày tỏ: Trường Mầm non hiện vẫn đang dở dang nên chúng tôi phải dồn các phòng làm việc lại, bố trí dãy nhà 2 tầng lấy chỗ cho các cháu học. Sau khi trường hoàn thiện, hy vọng những khó khăn về trường lớp sẽ được giải quyết cơ bản. Tuy cơ sở vật chất còn nghèo, nhưng chúng tôi yên tâm vì các thầy, cô giáo đều có tinh thần trách nhiệm, say nghề. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức, ông Đặng Văn Viện cũng chia sẻ mà như khoe: Kết quả dạy và học của thầy và trò huyện Mỹ Đức ngày càng thay đổi tích cực, trong đó có đóng góp thiết thực của mỗi người thầy. Ở những vùng khó khăn, các thầy cô luôn cố gắng hết mình, nếu không có tình yêu nghề, lòng yêu trẻ thì khó có được kết quả như ngày hôm nay.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.