Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ý kiến góp ý để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thu Hằng| 31/05/2022 19:52

(HNMO) - Ngày 31-5, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Hà Nội đến năm 2030 phục vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố “Xây dựng chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030” và góp ý xây dựng “Luật Thủ đô” (sửa đổi).

Quang cảnh hội thảo.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, điểm nhấn của 2 văn kiện rất quan trọng nói trên đều lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo. Từ khi “Chiến lược khoa học, công nghệ của thành phố Hà Nội” được ban hành năm 2012 và Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành năm 2013, Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội về các vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia dự án do Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí; Nhà nước nên làm gì để thúc đẩy hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp; tính khả thi của việc sử dụng tài sản trí tuệ (sáng chế) để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng; Nhà nước nên làm gì để hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sáng chế; Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích nào để có nhiều doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho hoạt động này…

Ông Nguyễn Hồng Thu - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chiếu sáng, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, hoạt động khoa học và công nghệ chỉ từ phía doanh nghiệp là chưa đủ. Công ty mong muốn các kết quả khoa học và công nghệ, sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (đặc biệt các sản phẩm trong lĩnh vực chuyên dụng, có tính công nghệ và sáng tạo cao) ra đời được Nhà nước hỗ trợ công tác truyền thông, tuyên truyền và xúc tiến thương mại để đem lại hiệu ứng lan tỏa rộng hơn, nhanh hơn. Nhà nước cũng cần xây dựng các yêu cầu kỹ thuật, thương mại để quản lý, giám sát các sản phẩm theo cấp chất lượng cho sản phẩm chiếu sáng LED, ưu tiên các sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, sản phẩm của người Việt. 

Ông Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội phản ánh, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ, trong khi đó, tài sản trí tuệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp (đang hoạt động) cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ (kể cả bằng sáng chế đã được bảo hộ) làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đây cũng là một rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư...

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn các nhà khoa học và nhấn mạnh các ý kiến tư vấn, góp ý này sẽ được tiếp thu, để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến góp ý để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.