(HNM) - Ngày 20-3, tại Hà Nội, biên đạo múa Lê Vũ Long và đoàn múa
Múa đương đại, một loại hình nghệ thuật mới được nhiều khán giả yêu thích. |
- Hai năm mới dàn dựng một chương trình múa đương đại mới, tại sao anh lại chọn chủ đề "Việt Nam những năm 70" để thể hiện? Phải chăng, vì anh sinh ra ở thời kỳ này nên muốn ôn lại chút kỷ niệm ở một giai đoạn khó khăn?
- Không, tôi không có ý định mô tả lại thời kỳ khó khăn của đất nước vì những điều này đã được các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, văn học thực hiện rất rõ rồi. Với ngôn ngữ múa, nhất là múa đương đại, nhiệm vụ mô tả lại một giai đoạn xã hội là không phù hợp. Chúng tôi chỉ lấy chút chất liệu ở giai đoạn những năm 70 để khai thác vấn đề về con người còn ít được đề cập trong giai đoạn này, như trẻ em thời kỳ này sống ra sao, câu chuyện của một cá nhân lớn lên, trải qua các thời kỳ…
- Điều gì khiến anh nghĩ đồng nghiệp sẽ có cùng cảm nhận như mình khi thực hiện chủ đề "Việt Nam những năm 70"?
- Chúng tôi có hai buổi diễn, buổi đầu tiên là "Một tập thể các cá nhân" do tôi biên đạo, đoàn múa "Nơi đến" thực hiện. Buổi thứ hai, các nghệ sĩ đương đại thể hiện những tác phẩm độc lập như Quách Hoàng Điệp với tác phẩm "Không gian gốc", Nguyễn Dũng với "Bến đợi", Trần Ly Ly với "7X"... Từ những tác phẩm độc lập ấy, chúng tôi muốn gắn kết người xem tới chủ đề chung, cùng cảm nhận về những mảnh đời, số phận con người khác nhau trong cùng một giai đoạn.
- Với chương trình này, anh vẫn quyết tâm "không bán vé"?
- Tất cả những vở diễn của chúng tôi từ trước tới nay đều không bán vé. Chúng tôi muốn hướng tới mục tiêu lớn hơn, ý nghĩa hơn, đó là để công chúng biết và yêu mến nghệ thuật đương đại nhiều hơn. Một trong những mục tiêu nữa mà dự án hướng đến là giới thiệu tới công chúng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại đích thực trong bối cảnh nhiều người chưa hiểu đúng về múa đương đại Việt Nam và đã có sự biến tướng nhân danh múa đương đại.
- Hiện có khá nhiều nghệ sĩ, biên đạo tự nhận mình là chuyên gia về múa đương đại; đã có những tác phẩm được giới thiệu là múa đương đại, giúp sinh lời qua việc bán vé. Anh không sợ những điều vừa nói đụng chạm tới những "người ấy"?
- Tôi từng nói điều này một cách thẳng thắn trên các diễn đàn văn học nghệ thuật, trên truyền hình, và tôi rất muốn điều này được bàn bạc công khai để những nghệ sĩ múa và cả khán giả có cái nhìn đúng về múa đương đại. Sự thật là múa đương đại ở Việt Nam chưa kịp định hình thì đã bị biến tướng rồi. Cụm từ "múa đương đại" hiện nay được sử dụng phổ biến nhưng những gì diễn ra không đúng như vậy. Có thể, với một số cá nhân, việc sử dụng tên gọi "múa đương đại" đơn giản là cách để đánh bóng tên tuổi, làm lợi cho bản thân, nhưng xét kỹ thì điều đó mang lại hệ quả tai hại: Công chúng sẽ có một cách nhìn hoàn toàn sai về nghệ thuật này.
- Nhiều nghệ sĩ, không chỉ nghệ sĩ múa, cho rằng nghệ thuật phải có cái giá nhất định, dù ít hay nhiều cũng phải bán vé để tạo cho khán giả thói quen trân trọng tác phẩm nghệ thuật. Phải chăng, do quan điểm diễn miễn phí mà tác phẩm của anh khó tiếp cận công chúng?
- Đúng là không thể cứ diễn miễn phí mãi được, vì như vậy sẽ tạo cho người xem cảm giác là tác phẩm kém về giá trị. Chúng tôi đã tính đến việc này, sẽ cố gắng tìm cách để bán vé dù chỉ là nhận về số tiền ít ỏi. Hy vọng, ở tác phẩm sau chúng tôi sẽ làm được điều đó.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.