Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi văn hóa truyền thống “kết duyên” cùng múa đương đại

Quỳnh Anh| 04/04/2023 21:43

(HNMCT) - Dựa vào chất liệu và câu chuyện của tranh dân gian Đông Hồ, biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh cùng các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã dàn dựng và biểu diễn vở ballet “Đông Hồ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong 2 đêm, 22 và 23 tháng 3. Đây là hướng đi sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trước xu thế hội nhập quốc tế.

Nét mộc truyền thống song hành với hình ảnh đôi giày mũi cứng tượng trưng cho nghệ thuật ballet hàn lâm chính là nét độc đáo của “Đông Hồ”.

Mối lương duyên đẹp

Trước khi đến xem vở ballet “Đông Hồ”, nhiều khán giả tò mò, hồ nghi về sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống với loại hình nghệ thuật kinh điển của phương Tây. Và rồi, khi có mặt trong không gian Nhà hát Lớn Hà Nội, câu hỏi của họ đã lần lượt được trả lời với cảm xúc vừa bất ngờ vừa thú vị.

Vinh dự khi là người con Bắc Ninh được chọn tham gia vở diễn ballet “Đông Hồ” - tên một dòng tranh nổi tiếng của quê hương Kinh Bắc, nghệ sĩ Lệ Thanh không giấu nổi niềm xúc động. Chị cho biết: “Ở vở múa có sự kết hợp hài hòa tài tình giữa nghệ thuật ballet cổ điển, kỹ thuật múa hiện đại cùng múa dân gian Việt Nam. Thêm vào đó, bối cảnh, nguồn cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ không chỉ tạo nên một làn gió mới cho khán giả, mà còn tạo ra sự hào hứng đối với các diễn viên múa”.

Còn nghệ sĩ Thu Hằng thì cho rằng, khi nhắc đến Đông Hồ, người ta thường hình dung ra tranh dân gian với những câu chuyện khác nhau. Ở vở diễn "Đông Hồ", mỗi diễn viên đều có câu chuyện của mình qua những trích đoạn khác nhau. “Tôi cảm thấy ấn tượng nhất với vai diễn trong trích đoạn múa “Hứng dừa”. Nhân vật của tôi tuy không xuất hiện ở tất cả các phần nhưng mỗi lần xuất hiện đều thể hiện mối liên kết giữa các phần trong vở diễn” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Cũng theo nghệ sĩ Thu Hằng, nếu ballet cổ điển đòi hỏi cơ thể phải gò trong một khuôn thước khắt khe thì ngược lại, múa đương đại lại cần thả lỏng cơ thể, còn múa dân gian yêu cầu sự mềm mại, duyên dáng. Vì thế, về mặt kỹ thuật, cái khó của “Đông Hồ” là phải biết "chia nhỏ" các bộ phận trên cơ thể, ví dụ, trong cùng một động tác, thân trên phải mềm mại bay bổng, phần xương hông phải thả lỏng, nhưng phần chân lại phải rất căng và chắc chắn vì toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên trên đầu mũi giày cứng. Ngoài ra, trong quá trình luyện tập với bạn diễn, mỗi người phải biết nương vào nhau bởi có những kỹ thuật bê đỡ khó, nếu hai người không phối hợp tốt thì rất có thể xảy ra chấn thương. Một cái khó nữa là “Đông Hồ” đã từng có phiên bản diễn trước đó, nên khán giả sẽ có căn cứ để so sánh. Chính vì vậy, ngoài việc luyện tập để hoàn thiện những yêu cầu của biên đạo, người diễn viên cũng phải tự khám phá bản thân để tìm ra chất diễn riêng của mình.

“Múa là khổ luyện, khó khăn cũng chính là động lực để diễn viên múa hoàn thiện bản thân không ngừng nghỉ mỗi ngày để có được những chuyển động đẹp, gợi cảm xúc, chạm đến trái tim khán giả. Đặc trưng của ballet là múa trên giày mũi cứng, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên đầu ngón chân và cần phải tìm được sự cân bằng thì mới có thể trụ được. Đối với “Đông Hồ”, sự di chuyển trên mũi cứng lại càng phải linh hoạt hơn, vì có những động tác còn phải kiểm soát sự cân bằng ở thế mất cân bằng. Một điểm nữa, ballet cổ điển vốn sinh ra là dành cho hoàng gia, cho nền văn minh châu Âu, còn “Đông Hồ” lại là những bức tranh tái hiện về cuộc sống bình dị nhất của người dân Việt Nam. Sự hòa hợp giữa nét mộc mạc trong hình tượng người phụ nữ Việt Nam truyền thống với hình ảnh đôi giày mũi cứng tượng trưng cho nghệ thuật ballet hàn lâm chính là nét độc đáo của “Đông Hồ” - nghệ sĩ Thu Hằng bộc bạch.

Truyền thông điệp “Cho và nhận”

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện vở “Đông Hồ”, biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh cho biết, khi có dự định làm chương trình tôn vinh Nghệ sĩ Ưu tú (ballet) Tố Như, anh muốn có chút yếu tố Việt Nam trong đó và tranh Đông Hồ là “từ khóa” mà anh nghĩ đến đầu tiên. “Tranh Đông Hồ mang triết lý cho và nhận. Tôi không diễn tả lại tranh Đông Hồ mà lấy tranh Đông Hồ làm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Nếu làm ballet “Đông Hồ” theo hướng tả thực thì sẽ không còn không gian cho khán giả tưởng tượng nữa” - biên đạo múa Ngọc Anh khẳng định.

Bản thân Ngọc Anh đã được đào tạo về ballet cổ điển và cũng từng thử nghiệm đưa múa dân gian phối hợp cùng múa đương đại khi làm việc ở châu Âu. “Cách đây hơn 20 năm, khi sang Pháp dự các liên hoan về nghệ thuật múa, tôi đã thấy đoàn nghệ thuật của Trung Quốc đưa yếu tố dân gian vào múa đương đại. Khi ấy, tôi ao ước có thể làm được như họ. Và vở ballet “Đông Hồ” là cơ hội hiện thực hóa ước mơ đó” - nam nghệ sĩ nhấn mạnh.

Còn theo Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam Phan Mạnh Đức, các màn múa trong vở “Đông Hồ” đã “họa” lại những bức tranh dân gian Đông Hồ một cách nhuần nhuyễn, tinh tế. Cụ thể, màn múa “Tố Nữ” thể hiện sự tài hoa của người phụ nữ Việt; “Thiếu phụ bồng con” ca ngợi tình mẫu tử ấm áp thiêng liêng; “Suối tóc” thể hiện nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt; “Hứng dừa” mô tả cảnh sinh hoạt đời sống hằng ngày; “Đám cưới chuột” là lời châm biếm sự bất công trong xã hội phong kiến; “Đánh ghen” phản ánh chế độ đa thê, sự bất công mà người phụ nữ phải hứng chịu trong xã hội phong kiến... “Hiện lên trong tất cả các bức tranh dân gian Đồng Hồ là truyền thống văn hóa Việt Nam, đó là tình yêu đôi lứa, tình yêu mẹ con, tình yêu lao động luôn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác mà với truyền thống đó, trách nhiệm của chúng ta là góp phần lưu giữ. Các nghệ sĩ đã thể hiện điều đó qua vở diễn này” - ông Đức nhận xét.

Cần sự quan tâm kịp thời

Chắc chắn, biên đạo múa Ngọc Anh và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam chưa dừng lại với những sáng tạo của mình, nhất là khi “Đông Hồ” vừa ra mắt đã tạo được ít nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Biên đạo múa Ngọc Anh chia sẻ: "Trong thời gian tới, tôi muốn giới thiệu văn hóa nước nhà đến với bạn bè thế giới. Lúc nào tôi cũng mong muốn có điều kiện về kinh tế, thời gian và sự đầu tư về nhân lực để làm những tác phẩm múa xứng tầm. Tìm kiếm sự đồng cảm, sự đầu tư một cách tốt nhất để làm nghệ thuật là rất khó, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự hỗ trợ kịp thời để các nghệ sĩ múa có thể yên tâm làm nghề và tạo ra những tác phẩm xuất sắc hơn nữa”. 

Khẳng định hướng đi đúng đắn và đúng tôn chỉ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, ông Phan Mạnh Đức cho biết, Nhà hát quyết định xây dựng “Đông Hồ” với mong muốn gắn kết hơn nữa, làm mới hơn nữa “sợi dây” kết nối giữa nghệ thuật truyền thống Việt Nam với nghệ thuật múa ballet. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng dựng thêm nhiều vở múa có sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật múa Đông - Tây để người yêu múa thấy được nghệ thuật dân gian truyền thống, múa dân gian không hề mất đi, nó chỉ đang hiển hiện trong những hình hài khác mà thôi” - ông Đức chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi văn hóa truyền thống “kết duyên” cùng múa đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.