(HNM) - Năm 2019, cả nước có hơn 230.000 thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học. Sau kỳ thi, nhiều thí sinh có số điểm cao vẫn lựa chọn học nghề. Đây là cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô tuyển sinh, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cả lượng và chất
Nhìn lại công tác phân luồng học sinh năm nay cho thấy, các ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp để tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp trung học cơ sở. Nhờ đó, nhận thức của người học và gia đình về việc học ngành, nghề nào, làm gì cho phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của mỗi người hình thành rõ nét hơn. Bằng chứng là cả nước có hơn 230.000 thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học. Không những vậy, sau kỳ thi, nhiều thí sinh có số điểm cao vẫn lựa chọn học nghề.
Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyển sinh cho năm học mới diễn ra sôi động từ giữa tháng 7-2019, song song với các trường đại học. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, đến ngày 28-7, nhà trường đã tuyển sinh được khoảng 700 người vào học hệ cao đẳng. Dự kiến, ngày 2-8, nhà trường sẽ có khoảng 900 sinh viên nhập học hệ cao đẳng đợt 1, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Em Nguyễn Văn Thái, thôn Ngoại Thôn, xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) cho hay: “Điểm các môn thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua đủ để em đăng ký xét tuyển vào một số trường đại học. Song, em nhận thấy, việc lựa chọn học nghề gì, ở trường nào bảo đảm có việc làm phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình, thì đó là sự lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, em đã đăng ký học nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội”.
Tương tự, đến thời điểm này, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã thu hút gần 1.000 thí sinh đăng ký học nghề, tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Trường Cao đẳng Y dược Hà Nội cũng đã làm thủ tục nhập học đợt 1 cho sinh viên trúng tuyển từ ngày 18-7...
Trên phạm vi cả nước, công tác tuyển sinh cũng diễn ra sôi động. Dự kiến trong năm nay, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được khoảng 2,26 triệu người cả ngắn hạn và dài hạn, tăng 60.000 người so với năm 2018. “Kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng là nhờ nhận thức của xã hội về cơ hội việc làm dần thay đổi theo hướng tích cực. Thay vì phải học đại học bằng mọi giá, nhiều người đã chủ động học nghề...”, theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học nghề, các ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân, Bộ đã kiến nghị, đề xuất các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư kinh phí cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 40 trường được đầu tư để trở thành các đơn vị đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, ngày 22-7 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ký kết hợp tác triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo tinh thần Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ với một số doanh nghiệp lớn. “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai rộng rãi, có sự tham gia của doanh nghiệp sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo trong lực lượng học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho một số trường nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức giảng dạy để trở thành trường chất lượng cao, đào tạo các nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế, như: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động tham gia học nghề.
Ngoài những giải pháp chung, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn có cơ chế đặc thù hỗ trợ học sinh, sinh viên. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “100% học sinh, sinh viên được ký kết hợp đồng đào tạo, bảo đảm chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp. Những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng toàn phần”. Còn Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội không thu học phí một học kỳ cho các tân sinh viên là bộ đội xuất ngũ và giảm học phí 50% trong suốt khóa học cho các sinh viên học chương trình đào tạo chất lượng cao...
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện cho lao động trẻ tham gia học nghề là hướng đi đúng đắn, góp phần cân đối cung - cầu trên thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.