Lao động - Việc làm

Hà Nội: Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài

Mai Hoa 05/10/2023 11:07

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã ký ban hành Kế hoạch số 181-KH/TU ngày 3-10-2023 thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TƯ ngày 04-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

thuc-hanh-ky-nang-nghe-son-o-to.jpg
Thực hành kỹ năng nghề tại Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TƯ trên địa bàn Hà Nội.

Từ nay đến năm 2030, phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại. Đồng thời, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, có một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt 80-85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 60%.

Kế hoạch nêu rõ một số chỉ tiêu chủ yếu đến 2030 cần đạt được, bao gồm:

Thứ nhất, thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; số học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.

Thứ hai, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%; 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Thứ ba, 100% trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ tư, phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

Thứ năm, phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

Trong số 4 trường được đầu tư trường chất lượng cao, phấn đấu có 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là “giáo dục nghề nghiệp Thủ đô phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của thị trường lao động Thủ đô; đi đầu cả nước về các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, nghề đào tạo”.

thuc-hanh-ky-nang-nghe.jpg
Sinh viên các trường nghề thường xuyên thực hành kỹ năng nghề, bảo đảm “học đi đôi với hành”.

Để đạt được các chỉ tiêu này, Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của thành phố về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp; ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của thành phố; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, phân luồng tuyển sinh.

Đặc biệt là tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.