(HNM) - Đảng bộ quận Hai Bà Trưng sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXV. Cùng với quyết tâm đổi mới, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của quận, rất cần có thêm sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan thành phố.
Một đoạn phố Thanh Nhàn sau khi mở rộng. Ảnh: Khánh Huy |
Khẳng định năng lực, quyết tâm
Đảng bộ quận Hai Bà Trưng hiện có 17.638 đảng viên với 680 chi bộ trực thuộc 97 tổ chức cơ sở Đảng. Đảng bộ quận đã tích cực đổi mới công tác lãnh đạo và thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV, quận Hai Bà Trưng đã đạt được những kết quả toàn diện. Năm 2016, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng và chuyển dịch mạnh sang dịch vụ, thương mại. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước cả năm tăng 12,95%, thương mại - dịch vụ ước tăng 17,9%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 6.000 tỷ đồng, vượt dự toán 34% tương đương với trên 1.500 tỷ đồng… Kết quả này đã khẳng định năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền quận Hai Bà Trưng.
Không chỉ vậy, lãnh đạo quận còn cho thấy sự mạnh dạn trong các quyết sách đầu tư, trong đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc. Vừa qua, Quận ủy Hai Bà Trưng đã kiến nghị thành phố kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoặc thu hồi dự án chậm triển khai, để hoang hóa gây lãng phí đất đai trên địa bàn như: Ô đất phía Nam Đại Cồ Việt, Nhà máy Rượu Hà Nội 94 Lò Đúc, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại Ngô Thì Nhậm… Quận còn đề xuất thành phố cho phép ứng vốn ngân sách để thu hồi các diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng sản xuất, tiến tới giải thể các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn…
Theo Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam, kinh nghiệm xây dựng tuyến đường Thanh Nhàn cho thấy, nếu thành phố mạnh dạn giao cho quận, tiến độ công trình sẽ được bảo đảm. Chính vì vậy, với những công trình giao thông cấp bách trên địa bàn, nếu thành phố tiếp tục giao, quận sẽ thực hiện giống như đã làm với đường Thanh Nhàn.
Sức ép ngày càng lớn
Sức ép dân số đang là một trong những thách thức lớn đối với quận Hai Bà Trưng hiện nay. Mặc dù quỹ đất hạn chế, nhưng những năm gần đây, tốc độ xây dựng trên địa bàn không ngừng tăng lên, kéo theo sự tăng nhanh cư dân. Mật độ dân số trên địa bàn đã đạt trung bình hơn 34.000 người/km2, đứng tốp đầu Hà Nội, cao hơn cả quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Theo Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam, trong số 20 phường thì có ba phường có mật độ dân số trên 70.000 người/km2, hai phường trên 60.000 người/km2 và có một phường trên 50.000 người/km2. Chưa kể, quận Hai Bà Trưng có 7 trường đại học lớn, 67 trường công lập trong hệ thống giáo dục phổ thông, 8 bệnh viện công lập, 8 bệnh viện ngoài công lập và gần 600 cơ sở hành nghề y dược tư nhân… Trong khi đó, việc tách phường để bảo đảm công tác quản lý là cần thiết và phù hợp, nhưng quy trình thực hiện không thể trong ngày một, ngày hai.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, để sẵn sàng, quận cần phải có sự chuẩn bị trước về trụ sở làm việc và công tác cán bộ. UBND thành phố giao Sở Nội vụ sẽ tổng hợp báo cáo đề xuất chung trên toàn thành phố.
Một vấn đề đáng quan tâm là hệ thống hạ tầng giao thông của quận khá đồng bộ và thuận lợi theo hướng Đông - Tây, song giao thông theo hướng Bắc - Nam lại rất khó khăn, thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy Lê Thành Vinh cho biết, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên địa bàn gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người dân, cũng như công tác quản lý. 3 tuyến đường giao thông có thể giúp giải quyết bất cập này đã có trong quy hoạch, nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư của thành phố từ nay đến năm 2020. Đó là các tuyến đường: Võ Thị Sáu - Minh Khai, Ngô Thì Nhậm - Trần Khát Chân, Mai Hắc Đế - Bạch Mai. Nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông còn là hai cây cầu vượt nút Bạch Mai - Lê Thanh Nghị và nút Trần Hưng Đạo - Lương Yên đã được xếp vào danh mục công trình trọng điểm, là 2/7 dự án giao thông cấp bách. Tuy nhiên, những công trình này cũng chưa được đưa vào kế hoạch bố trí vốn.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhiệm vụ chính trị khó khăn khác cũng đang đặt ra. Đó là số hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn quận vẫn còn khoảng 20% (trên 9.000 trường hợp), hầu hết là những trường hợp có vướng mắc, nhiều trường hợp phức tạp. Trong khi thời hạn hoàn thành chỉ còn hơn 3 tháng. Một trong những vấn đề đô thị phức tạp đang đặt ra đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị quận là khá nhiều hộ dân trên địa bàn sống chung trong những ngôi nhà biệt thự cũ (như ở khu vực Thi Sách, Lê Văn Hưu) đang xuống cấp từng ngày.
Vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra đòi hỏi năng lực lãnh đạo, quyết tâm của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Nhưng để quận Hai Bà Trưng có thể vượt qua được, không thể thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các cơ quan thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.