(HNM) - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là một chủ trương lớn được đề cập trong nhiều văn kiện của Ðảng, đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước được cho là giải một bài toán khó, phức tạp và nhạy cảm. Đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (tại phiên họp lần thứ 3 ngày 7-8) cho rằng: Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn hạn chế; tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý; số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên và xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ.
Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế. Số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định.
Tất nhiên, có thể khẳng định việc gỡ nút thắt bộ máy và biên chế không phải là việc khó đến mức không thể làm được, quan trọng là phải có quyết tâm. Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, yêu cầu trong thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Như vậy, việc cần làm ngay hiện nay là rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc. Các giải pháp mang tính đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính được đề xuất là phải thực hiện nhất quán nguyên tắc: Giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức bộ máy hành chính đi vào đúng quỹ đạo, ít tầng nấc, bớt bộ, ngành nhưng vẫn bảo đảm quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong thực hiện các nhiệm vụ công, từ đó giảm chi phí hoạt động hành chính để tạo nguồn chi cho đầu tư phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Muốn vậy, cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có giải pháp khắc phục triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong mỗi cơ quan, đơn vị, phải nghiêm túc kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người, xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không, xác định cần bao nhiêu vị trí làm việc để từ đó sắp xếp cán bộ, công chức chính xác, hiệu quả.
Một bài học kinh nghiệm quan trọng từ thực tiễn và cách làm tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hà Nội cho thấy, tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối, chứ không giảm cơ học mà là giảm nơi thừa, người có năng lực yếu và sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau; tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào khung vị trí việc làm đã duyệt. Nói cách khác là phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nếu không, mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức sẽ khó có thể đạt được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.