Ngày 7-5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5).
Theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai, trên địa bàn toàn quận có 3.696 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, quận Hoàng Mai đã thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm.
Kết quả, các đoàn đã kiểm tra được 225 cơ sở, trong đó có 199 cơ sở đạt yêu cầu và xử phạt 26 cơ sở vi phạm với số tiền gần 130 triệu đồng; đồng thời, tiêu hủy hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc có giá trị hơn 82 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu của 26 cơ sở này là không bảo đảm vệ sinh thường xuyên; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả…
Trực tiếp kiểm tra siêu thị Mega (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), đoàn kiểm tra đánh giá, việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại đây tương đối tốt. Nhân viên siêu thị thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm. Những sản phẩm hết hạn sử dụng sẽ được chuyển tới kho để tiến hành tiêu hủy.
Thay mặt đoàn kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá cao công tác phân loại, tiêu hủy và kiểm tra thường xuyên hạn sử dụng của các mặt hàng bày bán tại đây. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng lưu ý, siêu thị cần bổ sung một số giấy tờ còn thiếu. Đồng thời, tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại siêu thị.
Cũng tại siêu thị Mega, đoàn kiểm tra đã tiến hành xét nghiệm nhanh hàn the trong các mẫu thực phẩm sủi cảo. Kết quả, các mẫu thực phẩm này đều đạt tiêu chuẩn.
Tại huyện Thanh Trì, theo báo cáo của UBND huyện, trên địa bàn hiện có 2.168 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, huyện đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm.
Kết quả, trong số 399 cơ sở kiểm tra có 387 cơ sở đạt yêu cầu và xử lý vi phạm 12 cơ sở với tổng số tiền phạt 39 triệu đồng.
Theo đại diện của UBND huyện Thanh Trì, qua công tác triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, về cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành và nhận thức tốt hơn về các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…
Đoàn kiểm tra đã trực tiếp kiểm tra tại Công ty cổ phần Davicorp Việt Nam (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì). Trung bình một ngày, công ty cung cấp khoảng 1 tấn rau, củ, quả cho gần 100 trường học. Tất cả các loại rau, củ, quả trước khi được thu gom, sơ chế đều được công ty test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát nguyên liệu đầu vào khi thu gom tại các hộ kinh doanh.
Tại thời điểm kiểm tra, điều kiện cơ sở vật chất, nhà xưởng, khu sơ chế của công ty bảo đảm sạch sẽ, ngăn nắp, đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm rau sau khi được sơ chế có đóng gói, dán tem nhãn mác đầy đủ để truy xuất nguồn gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.