Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh giản biên chế chưa gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Đình Hiệp| 31/10/2022 18:39

(HNMO) - Chiều 31-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Toàn cảnh phiên họp chiều 31-10.

Dự phiên thảo luận các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính…

Lãng phí là vấn nạn quốc gia

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với năm 2015 và vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra. Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn của địa phương cho thấy, công tác này vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định như việc tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu.

“Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để từ đó có cơ sở rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn”, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng lãng phí là vấn nạn quốc gia. Việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Đại biểu phản ánh, công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) khẳng định, kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy, tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng. Đại biểu mong muốn, Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000ha đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng…

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) phát biểu.

Giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục

Cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho biết, theo báo cáo Chính phủ đã cắt giảm đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa chuyên ngành; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giải quyết nhanh thủ tục, giảm tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề này cũng còn có những hạn chế, tồn tại mà trong đó nguyên nhân chủ quan của Chính phủ, bộ, ngành trong đề xuất xây dựng pháp luật vào hoạt động điều hành nên đại biểu kiến nghị với Chính phủ bổ sung vào phần giải pháp để công tác thực hành tiết kiệm, hiệu quả hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) phát biểu.

Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả giám sát, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả sử dụng các quỹ, tài chính ngoài ngân sách, tăng cường hiệu lực quản lý các dự án, sử dụng và quản lý nhà công vụ, trụ sở làm việc, các công trình phúc lợi công cộng. Cần kiên quyết thu hồi các dự án đã được giao đất nhưng chưa triển khai, chậm triển khai…

Đại biểu cũng đề nghị tổ chức thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ. Cùng với đó là cần có biện pháp cụ thể tháo gỡ bất cập trong công tác đấu thầu, nhất là đấu thầu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm chặt chẽ trong quy định của pháp luật, tránh tạo kẽ hở gây lãng phí nguồn lực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) phát biểu.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) nêu thực trạng chưa có quy định hướng dẫn kịp thời, đồng bộ, phù hợp cho việc xác định vị trí việc làm, là cơ sở để tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện; tình trạng thiếu hụt cán bộ công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế giáo dục và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên ngành của một số cơ quan, đơn vị doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng đến chất lượng năng suất lao động. Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ có những giải pháp cụ thể giải quyết những bất cập trên, nhất là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục và có cơ chế chính sách riêng, đặc thù về chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ cho cán bộ y tế, giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình.

Nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020

Nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, Bộ phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện.

Giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, dù chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho khoa học công nghệ vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của ngành khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp GDP vào tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm thời gian qua đạt được những kết quả rất tốt, như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%... Đặc biệt, bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ (các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%...).

Bộ trưởng cho biết, có nhiều vướng mắc trong Luật Đầu tư công là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Bên cạnh đó, vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thu hồi đất, bởi sau khi có quyết định thu hồi, cơ chế để đền bù, bồi thường cho nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như nào vẫn nằm trên giấy, không triển khai được trên thực tế…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp chiều 31-10.

Phát biểu kết thúc ngày thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 46 đại biểu phát biểu, trong đó có 1 ý kiến tranh luận; 2 bộ trưởng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đoàn giám sát và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến được tập hợp, ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, có giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào chiều 15-11.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh giản biên chế chưa gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.