(HNM) - Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Với phương châm “5 rõ”, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trên địa bàn. Ảnh: Khuê Diệp |
Những việc làm thiết thực, hiệu quả
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ nghiêm túc trong toàn Đảng bộ; coi việc thực hiện Chỉ thị là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Liên tiếp trong năm 2018 và 2019, Hà Nội chọn chủ đề công tác là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Cùng với đó, các nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TƯ đã được thành phố triển khai đồng bộ, đạt kết quả rõ nét, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018 của Hà Nội lên thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Mô hình học tập, làm theo Bác của phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những điển hình. Thông qua việc tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động trên địa bàn với phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), phường Trung Hòa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Lai Mạnh Tiến cho biết, những năm qua, số thu ngân sách của phường đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, phường cũng chủ động rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ 1 đến 5 ngày. 1.291 cán bộ, đảng viên trong phường cũng đã đăng ký nội dung phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao. Những nỗ lực mà phường Trung Hòa triển khai đã góp phần giúp kinh tế phát triển ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện mô hình “Tuổi trẻ xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, Thành đoàn thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã phát động phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, huy động trên 2.000 lượt cán bộ đoàn viên, thanh niên ra quân 168 buổi lao động vệ sinh môi trường. Qua đó, mở mới được 8km đường dân sinh; khơi thông 15km kênh mương nội đồng; huy động gần 200 triệu đồng xây dựng 2 ngôi nhà nhân ái, ngôi nhà khăn quàng đỏ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Tại Lạng Sơn, mô hình “Tổ hợp tác đổi công” của tập thể tổ hợp tác thôn Khuổi Nặp (Đảng bộ xã Cao Minh, huyện Tràng Định) đã giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các thành viên tổ hợp tác đã thường xuyên đổi công, phát mương làm cỏ, cấy, gặt lúa, phát triển trồng trọt..., qua đó thu hút được nhiều gia đình thiếu nhân lực, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất cùng phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập của bà con.
Chung tay xây dựng quê hương
Gắn việc học tập, làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, từ đó chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhiều tỉnh, thành đã có những mô hình hay, cách làm mới.
Thông qua xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã phát huy vai trò của mỗi cá nhân, hộ gia đình với phương châm “làm từ nhà ra xóm, từ thôn xóm lên xã”, “làm từ đồng về làng, từ làng lên xã”. Để thực hiện, huyện Hải Hậu đã cụ thể hóa 19 tiêu chí xã nông thôn mới thành 12 tiêu chí xóm nông thôn mới, gia đình nông thôn mới. Qua đó, việc triển khai được phân cấp ở gia đình, thôn xóm và xã; phân cấp cụ thể trách nhiệm cho từng nhóm. Để định hướng và tạo động lực cho từng gia đình, mỗi thôn, xóm, Huyện ủy Hải Hậu đã xây dựng cơ chế khen thưởng để nhân dân cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
Tại Bắc Ninh, việc học tập, làm theo Bác lại được cán bộ và nhân dân thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) thực hiện với mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”. Theo đó, Đảng ủy, UBND xã Đình Tổ đã họp bàn và ra nghị quyết quán triệt việc thực hiện hỏa táng, điện táng người đã qua đời. Chi bộ Ban Công tác mặt trận, Ban Quản lý thôn, Chi hội Người cao tuổi thôn Phú Mỹ đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và mọi người dân trong thôn về vấn đề này. Qua đó, việc tổ chức tang lễ tại thôn Phú Mỹ ngày càng nền nếp, giảm thiểu tình trạng tổ chức kéo dài, gây lãng phí…
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ đã tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, thiết thực được duy trì và phát huy hiệu quả; nhiều điển hình tập thể, cá nhân được phát hiện, biểu dương, nhân rộng.
Để việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày càng lan tỏa sâu rộng, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu: Bí thư, cấp ủy và các đảng viên phải thực sự là người nêu gương và phải chọn lựa những vấn đề có tính đột phá để triển khai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh học tập, quán triệt chủ đề năm 2019 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và đây chính là phương hướng thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.