Đời sống

Nhà xanh lại đóng đố xanh

Châu Hải Đường 09/02/2024 - 06:14

Sau lễ tiễn ông Táo chầu trời hăm ba tháng Chạp, không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán bắt đầu rậm rịch khắp trong xóm ngoài làng.

Nhưng, trái ngược với sự hối hả lo toan của người lớn, lũ trẻ con lại vô cùng háo hức mong chờ, và việc chúng mong mỏi nhất là gói bánh chưng. Sớm 30 Tết mới là lúc người ta gói bánh chưng, nhưng từ vài hôm trước, những “nguyên liệu” dùng vào việc gói bánh đã được chuẩn bị dần rồi. Ấy cũng chính là lúc lũ trẻ được tham gia vào việc “sắm Tết”.

img_20231228_130834.jpg

Bánh chưng ở quê tôi không gói lá dong như nhiều nơi khác, mà được gói bằng lá chuối và khuôn lá dừa. Chẳng biết có phải quê tôi ở mạn đồng bằng gần cửa sông cửa biển, xa miền đồi núi trung du, trước đây khi giao thông còn chưa thuận lợi, ít giao lưu kinh tế nên không có lá dong và cũng ít dùng lá dong gói bánh chưng không, nhưng đến bây giờ khi giao thương dễ dàng rồi, người ta vẫn ít dùng lá dong, mà chỉ quen gói bánh chưng bằng lá chuối và khuôn lá dừa như thế.

Đám trẻ có thể giúp được bố mẹ, ông bà chuẩn bị những “nguyên liệu” đầu tiên ấy. Lá chuối thì lấy ở vườn nhà hoặc những bụi chuối rải rác ven góc ao, bờ kênh, đường làng. Lá chuối gói bánh tốt nhất là lá chuối hột. Phải lựa những tàu lá xanh thẫm, đủ độ lớn, độ già và ít bị rách thì mới còn nguyên mảnh và đủ độ dày để gói được bánh. Bởi giống lá chuối rất hay bị gió cào rách tua rua, đặc biệt là sau những đợt gió bấc thổi mạnh. Không có câu liêm, chị tôi dùng cái liềm sắc buộc vào đầu cây sào tre ra sau vườn lựa những tàu lá chuối hột lớn cắt xuống rồi lấy dao rọc bỏ dọc chuối, lấy phần phiến lá hai bên xếp lại thành thếp rồi cuộn lại mang về, rửa sạch cẩn thận và để cho ráo nước.

Ông nội bắc thang lên cây dừa, chặt một tàu vừa bánh tẻ với những hàng lá xanh bóng, rộng căng, không bị sâu cắn lỗ chỗ trên mặt lá. Những lá dừa nhỏ được róc rời ra khỏi tàu, lau rửa sạch. Mỗi một chiếc khuôn dừa để gói bánh sẽ phải dùng hai chiếc lá nhỏ ấy, nên người ta sẽ dựa vào số bánh chưng muốn gói mà lựa những cái lá đẹp nhất. Số còn dư sẽ rọc bỏ phần thịt lá, chỉ lấy cái sống lá nhỉnh hơn que tăm một tí, cứng, tròn đều - đây sẽ là những cái “chốt” để lát nữa gài hai cái lá dừa lại thành khuôn.

Mấy năm nay, năm nào gói bánh chưng ông nội cũng gọi anh em tôi ra để hướng dẫn cho biết việc. Ông bảo: “Tết mà không có tấm bánh chưng cúng trời đất tổ tiên thì còn gì là Tết nữa! Ngày xưa ông trạng Nguyễn Hiền còn nhờ bánh chưng mà giải được câu đố của sứ Tàu đấy các cháu ạ!”. Chúng tôi cùng nhao nhao xin ông kể lại câu chuyện trạng Nguyễn Hiền đem cái bánh chưng cắt ra làm bốn để giảng câu đố chữ: “Lưỡng nhật bình đầu nhật/ Tứ sơn điên đảo sơn/ Lưỡng vương tranh nhất quốc/ Tứ khẩu tung hoành gian” của sứ Tàu khi xưa.

Ông tôi dùng một cái thước cữ để đo gấp lá dừa. Đó là một thanh cật tre cứng dài chừng 12 xăng-ti-mét. Lá dừa được cắt bằng bặn ở đầu cuống rồi đặt thanh thước cữ lên, vừa để đo cho chính xác, vừa để gập lá cho dễ. Mỗi lá dừa được gấp, cắt lấy năm đoạn bằng nhau để khi gấp vuông lại sẽ thành một hình vuông, cạnh do hai đầu đoạn chồng lên nhau sẽ dùng cái sống lá dừa cài ghim lại. Cứ mỗi hai khuôn lá dừa vuông ấy lại ráp một bên lá vào nhau, cài đính lại cũng bằng sống lá như vậy, phần mép lá còn lại hai bên sẽ bẻ góc vuông xuống, thế là đã có một cái khuôn bánh chưng bằng lá dừa rồi.

goi-y-cach-goi-banh-chung-b.jpg

Sáng 30 Tết, bà và mẹ mới chuẩn bị gạo, đỗ, thịt lợn - bánh chưng ngon hay không là ở những nguyên liệu quan trọng nhất này. Gạo nếp là thứ nếp cái tròn căng, không lẫn hạt gạo tẻ nào, đã được ngâm từ tối trước, mẹ tôi vớt ra, vo sạch lần nữa rồi để cho róc nước. Bà tôi bắc nồi nấu đỗ xanh rồi đổ ra, để ráo, xong cho vào cối đá, giã cùng với đường cho nhuyễn (bánh chưng quê tôi nhân đỗ thường được giã nhuyễn với đường như vậy, chứ không dùng trực tiếp đỗ xanh còn sống) rồi nắm lại thành từng nắm, để sẵn trong rổ. Thịt lợn mới được đụng buổi sáng còn tươi rói, bỏ bì, lựa phần có đủ nạc, mỡ cân phân - nhiều nạc ăn sẽ rất khô, không béo - rồi thái ra thành từng miếng lớn, ướp đủ lượng mắm muối gia vị, hạt tiêu, thảo quả, dậy mùi thơm lừng.

Tất cả nguyên liệu đã đầy đủ, ông tôi mới trải chiếu ngoài hiên, lấy một cái nia bày ra, bảo tôi ngồi một bên để ông hướng dẫn cùng làm. Mỗi chiếc khuôn dừa xé lấy bốn mảnh lá chuối vừa kích thước lót vào sao cho bốn mảnh quay ra bốn cạnh bánh, rồi đổ một lượt gạo nếp, tiếp đến lấy một nắm nhân đỗ xanh, bóp nhỏ ra rải đều một lượt, để một hai miếng thịt đã ướp gia vị vào, lại đổ lượt gạo nữa, rồi gấp bốn miếng lá chuối gói bánh xuống, bẻ vuông góc khuôn lá dừa xuống, lấy bốn sợi lạt giang buộc chặt. Thế là một chiếc bánh chưng vuông vắn đã hoàn thành.

Vừa buộc lạt bánh, ông tôi vừa đọc một câu đố mà chúng tôi đều đã được giảng giải từ lâu: “Nhà xanh lại đóng đố xanh/ Gieo đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong”. Ông cười bảo: “Đố xanh” là cái lạt giang xanh xanh này đây, nhưng nếu chẳng có khuôn thì làm sao có đố? Các cháu nhớ phải làm khuôn cho vuông vắn, cứng cáp thì cái bánh chưng mới chắc, mới rền mà không sợ bục nhé! Người ta có chữ “khuôn phép” cơ mà!”. Năm nào ông tôi cũng bẻ khuôn nhỏ, làm thêm mấy chiếc bánh chưng con con cho các cháu mỗi đứa một cái.

Quê tôi nhà nào cũng gói bánh chưng bằng lá chuối khuôn dừa như thế. Cũng có nhà rắc thêm vài hạt lạc hay miếng cùi dừa thái mỏng ở hai mặt bánh, nhưng có điểm chung là hầu hết đều là bánh chưng ngọt, nhân đậu xanh giã nhuyễn với đường. Có lẽ bởi, bánh ngọt thường giữ được lâu hơn bánh mặn trong điều kiện thời xưa không có nhiều phương tiện bảo quản chăng? Bánh được luộc trong một chiếc nồi to gọi là “nồi quân dụng”, bắc trên bếp đun củi gộc mới đắp hoặc xếp bằng gạch ở góc sân, từ trưa đến 9 - 10h đêm mới xong. Những chiếc bánh chưng nóng hổi thơm mùi lá, sau khi vớt ra còn phải xếp thành chồng, dùng vật nặng ép lên để vừa róc nước, vừa thêm chặt, thêm rền, kịp đến lúc giao thừa là có thể dâng lên thắp hương tổ tiên, trời đất.

Trên ban thờ gia tiên ngày Tết không thể thiếu bánh chưng. Lũ trẻ cứ thi nhau đếm những chồng bánh chưng dâng cúng trên ban thờ mà tự hào. Và thường thường ai cũng được nếm khắp những “phong vị” bánh chưng của mọi nhà. Bên mâm cơm ngày xuân, mọi người vui vẻ hẹn nhau, cho đến ngày Rằm tháng Giêng lại gói thêm mẻ bánh nữa để làm chạp họ.

Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi luôn chắc mẩm rằng: Thứ bánh “Nhà xanh lại đóng đố xanh” ấy nhất định phải là bánh chưng khuôn lá dừa quê tôi. Lớn lên, sau bao năm tháng bôn ba qua các miền quê, tôi mới biết rằng hóa ra chẳng phải chỉ có bánh chưng miền Bắc, bánh tét miền Nam, mà chiếc bánh chưng ở mỗi một vùng miền trên dải đất hình chữ S này lại có một nét đặc sắc khác nhau từ loại gạo, loại đỗ đến nguyên liệu, gia vị, lá gói, kiểu bánh. Chả thế mà đã có biết bao đặc sản như bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên), bánh chưng gù Hà Giang, bánh chưng đen Lạng Sơn...

Gần đây, có người bạn từ đất cố đô chụp cho xem tấm hình mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ làm khuôn lá dừa để gói bánh chưng cũng giống hệt cách quê tôi vẫn làm, tôi mới biết rằng hóa ra cách gói bánh ấy từ xưa chốn cung đình cũng đã có! Tôi thầm nghĩ, bánh chưng không chỉ là một món ăn ngày Tết, mà còn là một nét văn hóa dân tộc, nhưng hơn thế nữa, với muôn vàn hình thái, đa dạng sắc màu như thế, chiếc bánh chưng Việt Nam chính bản thân nó cũng có cả một văn hóa của riêng mình - văn hóa bánh chưng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà xanh lại đóng đố xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.