Tại Lễ hội Thiết sáng tạo Hà Nội năm 2024, một trong những không gian sáng tạo gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng là tòa nhà Đại học Tổng hợp tại 19 Lê Thánh Tông (nay là Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) với những sắp đặt độc đáo có ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc Đông Dương.
Qua bàn tay sáng tạo của các nghệ sĩ, du khách có cơ hội trải nghiệm một không gian văn hóa đặc biệt với câu chuyện về sự tương tác giữa nghệ thuật đương đại và lịch sử kiến trúc mang đậm giá trị Việt.
“Cảm thức Đông Dương” trỗi dậy
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956, tọa lạc tại 19 Lê Thánh Tông - nơi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trụ sở của Viện Đại học Đông Dương. Công trình kiến trúc này do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế vào năm 1926, đến nay, sau gần 100 năm xây dựng vẫn giữ được vẻ đẹp tuyệt vời. Tại đây, một lần nữa, những người ưa thích phong cách kiến trúc Đông Dương lại nhận ra rằng, chính bản sắc Việt là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên vẻ đẹp của phong cách này. Và, từ công trình đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đưa vào danh mục công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị, các nghệ sĩ đương đại đã cùng nhau viết tiếp câu chuyện đẹp về kiến trúc thông qua loạt hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Đây là lần đầu tiên công chúng được thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một công trình kiến trúc Đông Dương tiêu biểu. Trên nền kiến trúc có giá trị vượt thời gian ấy, các nghệ sĩ đã đưa vào đó hơi thở đương đại với tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác mang tên “Cảm thức Đông Dương”, được ví như một đại triển lãm với 22 tác phẩm, cụm các tác phẩm nghệ thuật độc đáo có tính tương tác cao, gợi mở cảm nhận về nét đẹp truyền thống và cách mà giới sáng tạo có thể tận dụng vẻ đẹp ấy để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam vốn đã lộng lẫy, muôn hình muôn vẻ.
Vẻ đẹp văn hóa Đông - Tây, nét hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại cũng như khả năng sáng tạo dựa trên ý tưởng tôn vinh bản sắc Việt, đó chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sức hấp dẫn của “Cảm thức Đông Dương”. Mức độ thành công của giới sáng tạo có thể được đo đếm qua hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng để được vào thưởng lãm một di sản kiến trúc tỏa sáng cùng sản phẩm sáng tạo độc đáo.
Đến nay, dù Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã kết thúc từ lâu, tòa nhà “Đại học Tổng hợp” đã trở lại chức năng là giảng đường đại học, nhưng với nhiều người, cảm xúc về một không gian sáng tạo được thiết lập tại đây vẫn còn đọng lại. Ở đó có tác phẩm sắp đặt ánh sáng của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế ở sảnh tòa nhà, nơi người xem liên tưởng tới những chiếc bóng đèn tượng trưng cho ánh sáng của tri thức. Đó còn là hai tác phẩm tượng chân dung họa sĩ Victor Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1924) và họa sĩ Tô Ngọc Vân (Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1945) của điêu khắc gia Trần Quốc Thịnh.
Ấn tượng nhất là trên mái vòm, nơi có sự xuất hiện của cụm tác phẩm trang trí với đèn chùm của kiến trúc sư Lê Phước Anh, tác phẩm sắp đặt bia tiến sĩ trên chất liệu mica gợi cảm hứng về đồ án thiết kế trang trí tòa nhà Đại học Đông Dương của kiến trúc sư Ernest Hebrard. Kết thúc ở vòm trần là tác phẩm trình chiếu 3D mapping của họa sĩ Phạm Trung Hưng họa lại hình chim phượng hoàng đã bong mờ theo thời gian. Vào buổi tối, nghệ thuật chiếu sáng 3D khiến toàn bộ kiến trúc mái vòm của tòa nhà càng thêm lung linh, huyền ảo...
Tiềm năng cho công nghiệp văn hóa Hà Nội
Đảm nhận vai trò “tổng đạo diễn” không gian sáng tạo đặc biệt ở 19 Lê Thánh Tông là họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - người đã góp sức hình thành nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật công cộng tại Hà Nội. Nói về “đại triển lãm” được thực hiện tại tòa nhà Đại học Tổng hợp, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định rằng, kiến trúc Đông Dương là một di sản tuyệt vời nhờ sự kết hợp nét văn hóa phương Đông và phương Tây.
“Rất nhiều yếu tố công nghệ được đưa vào qua các sắp đặt, trưng bày, nhưng mục đích cuối cùng là tôn vinh công trình kiến trúc này và tạo ra các giá trị mới. Chúng tôi cố gắng đưa sáng tạo cá nhân hòa cùng kiến trúc của tòa nhà, làm sao đó để tôn vinh nét đẹp cổ kính mà không làm mất đi tính nguyên gốc hay ảnh hưởng đến nó” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Còn theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, các nghệ sĩ đã sử dụng công nghệ, đưa kỹ thuật trình diễn, sắp đặt hiện đại vào không gian Đại học Tổng hợp để kể câu chuyện văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Chẳng hạn như những thủ pháp công nghệ đã được sử dụng với bức tranh của Victor Tardieu mô tả nét sinh hoạt tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, gồm khoảng 200 nhân vật đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau ở thời điểm đó, bản thân nó đã là câu chuyện hoàn chỉnh về giá trị của bức tranh cũng như ý tưởng và mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phục dựng.
Sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024, nhiều người kỳ vọng rằng, với sức hút mạnh mẽ đã được tạo ra trong loạt hoạt động vừa qua, đặc biệt là “Cảm thức Đông Dương”, tòa nhà 19 Lê Thánh Tông sẽ trở thành điểm đến thường xuyên của du khách và những người yêu nghệ thuật.
Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, hoạt động sáng tạo trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 cho thấy tiềm năng và cơ hội khai thác di sản kiến trúc của Thủ đô phục vụ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, với một khối lượng di sản kiến trúc lớn đang được gìn giữ, bảo tồn, Hà Nội có thể tiến hành đánh giá, khảo sát một số công trình phù hợp để đưa vào khai thác, phát triển thành không gian sáng tạo hấp dẫn, điểm đến du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Đó là một kho tàng di sản chờ được giới sáng tạo khai phá, phát huy giá trị một cách xứng đáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.