Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ Brexit không thỏa thuận dần hiện hữu

Quỳnh Dương| 07/06/2020 07:17

(HNM) - Vòng đàm phán thứ tư kéo dài từ ngày 2 đến 5-6 về các thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), vừa kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào đáng kể. Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-12-2020. Với quỹ thời gian còn rất hạn hẹp, nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận đang dần hiện hữu.

Ngư trường đánh bắt cá đang là vấn đề nan giải trong đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu.

Theo Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier, bất đồng còn tồn tại nằm ở 4 vấn đề chủ chốt, gồm: Chia sẻ các ngư trường đánh cá của Anh với EU, vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp... Ngoài ra, các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường, tài chính hay khí hậu còn xa mới đạt được mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, các nhà đàm phán EU cáo buộc phía Anh không tôn trọng các điều khoản trong thỏa thuận và cho rằng xứ sở Sương mù đang đi ngược lại những cam kết đã được đưa ra khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ký một tuyên bố chính trị với các thành viên EU vào năm ngoái.

Ngay từ đầu, EU bước vào cuộc đàm phán về quan hệ tương lai với mong muốn giữ quyền đánh cá hiện tại trong các vùng biển của Anh bằng cách ký một điều khoản cam kết dài hạn. Trong khi đó, Anh lại chỉ chấp nhận xem xét cấp quyền chia sẻ các vùng biển đánh cá của mình với EU theo từng năm một, căn cứ vào các cuộc đàm phán riêng rẽ định kỳ. Thủy sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế của Anh, nhưng lại là vấn đề đặc biệt nhạy cảm vì ngư trường đồng nghĩa với chủ quyền quốc gia.

Vấn đề chia sẻ thông tin nhạy cảm giữa các cơ quan thực thi pháp luật hai bên cũng khó đi đến thống nhất, vì Anh nhất định không chấp nhận cho ECJ có tiếng nói cuối cùng trong diễn giải và áp dụng luật pháp của EU đối với những tranh chấp phát sinh trong quan hệ Anh và EU trong tương lai.

Một lĩnh vực gai góc khác là EU nhắc lại yêu cầu Anh phải cam kết thiết lập một “sân chơi bình đẳng” trên cơ sở tham khảo các quy định của châu Âu trong những vấn đề như luật lao động, tiêu chuẩn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Gọi là “tham khảo”, nhưng thực ra EU muốn các cam kết của Anh về tương đồng quy định với EU phải mang tính ràng buộc pháp lý.

Riêng trong vấn đề hỗ trợ của Nhà nước cho các ngành và doanh nghiệp thì EU nhất quyết đòi Anh phải áp dụng tất cả các quy định của khối này. Anh một mặt hứa hẹn sẽ không cạnh tranh bất bình đẳng với EU bằng các quy định và tiêu chuẩn thấp hơn, nhưng mặt khác cũng nhất quyết không chấp nhận tuân thủ hoàn toàn các quy định của EU, vì cho rằng điều này đi ngược lại mục đích của Brexit là giành lại hoàn toàn quyền tự chủ về chính sách cho nước Anh.

Vấn đề cơ chế giải quyết tranh chấp cũng nan giải không kém, khi EU muốn có một thỏa thuận toàn diện cho phép khối này được áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ vi phạm nào. Về phần mình, Anh lại muốn có những thỏa thuận riêng rẽ trong từng lĩnh vực, nhằm tránh nguy cơ tranh chấp trong lĩnh vực này có thể dẫn đến sự trả đũa và leo thang căng thẳng trong những lĩnh vực không liên quan khác.

Theo kế hoạch, một thỏa thuận khung phải đạt được trước ngày 31-10 để kịp phê chuẩn trước cuối năm nay, nhằm tránh việc Anh sẽ rời khỏi EU và liên minh hải quan vào ngày 31-12-2020 mà không có thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, với bất đồng vẫn chồng chất như hiện nay, mục tiêu tìm kiếm được sự "tiến bộ đáng kể" vào ngày 1-7 tới khó có thể trở thành hiện thực.

Nếu hai bên không đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì hoạt động thương mại toàn cầu có thể phải gánh chịu thêm một cú sốc, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang suy giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ Brexit không thỏa thuận dần hiện hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.