(HNMO) - Sau gần 40 năm sống trong cảnh không điện, không nước trên những chiếc thuyền, bè rách nát, 13 hộ dân của xóm mặt nước ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã được chính quyền địa phương hỗ trợ lên bờ, thuê nhà trọ để sinh sống vào đầu tháng 11 vừa qua.
Quá trình di dời
Xóm mặt nước ven sông Hồng còn được biết đến với những tên gọi khác nhau như: Xóm chài, xóm bãi, xóm nhà nổi hay xóm "4 không"… Cư dân ở đây chủ yếu là người dân các tỉnh về Hà Nội kiếm sống bằng công việc làm thuê, làm mướn. Để có chỗ tá túc, họ tự lắp ghép các thùng phuy, hộp xốp lại với nhau trên sông để sinh sống.
Các thuyền, bè tại xóm nổi ven sông Hồng trước kia đã được tháo dỡ. |
Sau nhiều năm, quy mô dân số các gia đình không ngừng tăng khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Từ đó, kéo theo hàng loạt hệ lụy như: Tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, bệnh tật, nguy cơ cháy nổ, chết người, nhất là trong mùa mưa lũ. Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra, chính quyền địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp để quản lý như: Đánh số trên thuyền của các hộ dân, không ngừng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sớm vào bờ sinh sống. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 10-2017, sau khi trải qua 2 cuộc họp với UBND phường Phúc Xá, 13 hộ dân xóm mặt nước ven sông Hồng mới đồng thuận việc di dời lên bờ sinh sống.
Chung tay giúp các hộ di dời, UBND phường đã hỗ trợ kinh phí cho mỗi hộ 2 triệu đồng, trong đó có 1,5 triệu đồng là tiền thuê nhà và 500 nghìn đồng là tiền tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc. Ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Phúc Xá cho biết: “Ngoài số tiền 2 triệu đồng do UBND phường hỗ trợ cho 13 hộ dân, tổ dân phố đã kêu gọi các chủ nhà trọ trên địa bàn giảm tiền thuê nhà, điện, nước cho các hộ gia đình từ xóm mặt nước lên thuê trọ”.
Đến ngày 2-11, 43 nhân khẩu của xóm mặt nước đã lên bờ thuê nhà trọ, trong đó có 7 hộ thuê nhà trên địa bàn phường Phúc Xá, 4 hộ thuê ở các phường lân cận như: Chương Dương, Bạch Đằng, Yên Phụ và 2 hộ về quê sinh sống. Tất cả lều, lán, thuyền bè, nhà nổi đã được chính quyền địa phương tiêu hủy và tích cực dọn dẹp để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Phấn khởi khi có chỗ ở mới
Hơn 10 ngày sau khi lên bờ sinh sống, bà Trần Thị Tuyết, 68 tuổi, hồ hởi cho biết: “Vợ chồng tôi đã sống gần 20 năm dưới xóm nổi ven sông Hồng. Nghe tin chúng tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời lên bờ sinh sống, các con ở quê đã gọi điện hỏi thăm và chung vui với bố mẹ”.
Từ khi lên bờ, bà Tuyết không còn lo lắng đến việc che chắn nhà mỗi khi có gió to đổ về. Mới gia nhập xóm trọ, bà Tuyết được người dân trong xóm hết lòng giúp đỡ. Đặc biệt, vào mỗi buổi tối, những người già trong xóm lại quây quần bên nhau.
Bà Trần Thị Tuyết tại căn phòng mới của gia đình. |
Còn bà Phạm Thị Lý phấn khởi: “Được lên bờ sinh sống là điều mà vợ chồng tôi mong ước bấy lâu nay. Chúng tôi đã có điện, nước để sinh hoạt và không phải lo đến việc gánh nước mỗi ngày như trước kia”. Có điện, gia đình bà Lý có thể xem được tivi và cập nhật những thông tin chính trị, văn hóa, xã hội. Bà Lý đã hiểu hơn về pháp luật, các chính sách của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân...
Đồng suy nghĩ với bà Tuyết, bà Lý, ông Nguyễn Đình Minh, tâm sự: “Tôi quá sợ trận bão lũ vừa qua. Mặc dù căn phòng gia đình tôi ở có hơi chật hẹp một chút nhưng tôi không còn phải lo lắng đến chỗ chơi cho con cháu và chúng đã được đi học. Mọi người trong gia đình tôi đã yên tâm lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.