Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiêm túc thực hiện tự đánh giá

Hà Vũ| 25/04/2023 07:09

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác cải cách hành chính là các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự đánh giá, chấm điểm về mình. Quan trọng là bởi, muốn cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự giải quyết các vấn đề của mình, nhất là khắc phục những hạn chế, yếu kém; không ai có thể làm thay. Sự khắc phục hiệu quả nhất chỉ đến khi bản thân cơ quan, đơn vị, địa phương nắm rõ những yếu kém, hạn chế của mình bằng khâu tự đánh giá.

Việc thành phố Hà Nội bứt phá từ vị trí thứ 10 (năm 2021) lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 là kết quả của quá trình tự đánh giá nghiêm túc, thực chất. Trong đó, sau khi đánh giá hạn chế trong công tác cải cách hành chính của thành phố ở khâu phân cấp, ủy quyền, từ cuối năm 2021, Hà Nội đã tập trung khắc phục khâu yếu này. Kết quả là trong năm 2022, đã tạo nên bước đột phá, một “cuộc cách mạng” khi thực hiện phân cấp, ủy quyền tới 708 thủ tục hành chính, gấp 6 lần so với trước đó.

Tuy nhiên, đến nay, tự đánh giá công tác cải cách hành chính vẫn là khâu yếu trong cải cách hành chính ở cấp huyện, sở, ngành. Mặc dù đây là giải pháp hiệu quả, giúp lãnh đạo các đơn vị xây dựng giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu; tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng nhiều nơi vẫn chưa quan tâm đúng mức. Báo cáo đánh giá Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 do UBND thành phố Hà Nội công bố vừa qua đã chỉ rõ, một số sở, cơ quan ngang sở và UBND các quận, huyện, thị xã chưa thực hiện tốt việc tự đánh giá, chấm điểm, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu, số liệu đánh giá chưa đúng thực trạng.

Điều này cũng phản ánh đúng thực tế, khi vẫn còn ít sở, ngành, UBND cấp huyện công bố công khai Chỉ số cải cách hành chính đánh giá các đơn vị trực thuộc; cách đánh giá cũng mỗi nơi một kiểu.

Thực tế, những nơi quan tâm đến chỉ số này, vừa thực hiện đánh giá, vừa công bố công khai thường có kết quả cao về cải cách hành chính. Đơn cử như, quận Long Biên năm 2022 đứng thứ 3/30 quận, huyện, thị xã về Chỉ số cải cách hành chính do UBND thành phố công bố, hay quận Bắc Từ Liêm đứng thứ 10/30 ở bảng xếp hạng trên.

Để khắc phục điều này, thành phố nên xây dựng 2 bộ chỉ số cải cách hành chính áp dụng tương ứng cho 2 nhóm là sở, ngành và quận, huyện, thị xã; đồng thời, quy định bắt buộc việc chấm điểm theo bộ chỉ số này. Đặc biệt, thành phố cần yêu cầu bắt buộc phải công bố công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc cổng giao tiếp của đơn vị, địa phương để báo chí, người dân giám sát. Có như vậy mới tạo áp lực trách nhiệm để các cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu, nỗ lực vươn lên. Trong khi đó, chính các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng cần thực hiện nghiêm túc việc tự đánh giá, công bố công khai chỉ số cải cách hành chính.

Thực tế, mặc dù vươn lên đứng thứ ba về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) nhưng năm 2022, Hà Nội lại bị giảm 10 bậc về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) so với năm 2021 (đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố, dù vẫn thuộc tốp đầu cả nước về Chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động). Điều này cho thấy, thành phố phải tiếp tục thực hiện bài bản, căn cơ hơn nữa để duy trì vị trí cao trong bảng xếp hạng PAR Index và quyết tâm trở lại nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng PCI.

Một trong những giải pháp cần làm ngay chính là tập trung vào khâu tự đánh giá, tự khắc phục hạn chế, yếu kém về cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm túc thực hiện tự đánh giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.