(HNM) - Đến đêm 12-10, dòng người từ bốn phương vẫn không ngớt đổ về Nhà tang lễ Quốc gia, xếp dài hàng cây số để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai cũng bùi ngùi tiếc thương vị tướng huyền thoại tài năng xuất chúng mà lúc nào cũng gần gũi, thân thương.
Người dân xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hạ - Hân |
Đứng lặng lẽ trong dòng người vào viếng Đại tướng đợt đầu tiên của buổi sáng, thương binh Nguyễn Xuân Lợi, 65 tuổi, không giấu được niềm xúc động. Ông đã cùng một người bạn đi xe máy vượt hàng trăm cây số từ thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến Hà Nội với ước mong được tiễn biệt Đại tướng lần cuối. Từng là người lính chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Lợi chia sẻ "Tướng Giáp là vị tướng có một không hai của dân tộc". Ông cho biết sẽ kể lại cho các con, cháu nghe thật nhiều về Đại tướng, về tình cảm mà nhân dân đã dành cho Đại tướng. "Tôi tin rằng linh hồn và những hình ảnh yêu quý về Đại tướng sẽ được lưu truyền cho muôn đời sau" - cựu chiến binh này nói, tay khoanh lại tỏ niềm kính cẩn trước vong linh Đại tướng.
Cầm trên tay bó hoa cúc vàng, đứng bần thần trước cảnh tiễn biệt Đại tướng, anh Lưu Quốc Khánh, 31 tuổi, quê ở Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết, anh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, hai người bác là liệt sĩ. Anh cũng từng là lính đặc công ở Đoàn đặc công 5 (tỉnh Ninh Thuận). "Ai trong gia đình tôi cũng yêu quý bác Giáp. Hôm nghe tin bác mất, cả nhà ai cũng buồn như mất một người thân" - anh kể. Anh Khánh đã đi xe khách về Hà Nội từ sớm để kịp có mặt gần Nhà tang lễ Quốc gia với ước mong được mang bó hoa vào thắp nén nhang tiễn biệt Đại tướng. "Tôi ngưỡng mộ Đại tướng vì đơn giản ông là một anh hùng" - anh tâm sự.
Rời nhà tang lễ sau khi chào Đại tướng lần cuối, hai vị tướng, hai người từng là Hiệu trưởng của Trường Sĩ quan Lục quân I (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) Trung tướng Nguyễn Ân và Thiếu tướng Nguyễn Khắc Viện chia sẻ rằng, những hình ảnh thân thương ngày Đại tướng về thăm trường vẫn còn khắc ghi trong tim. Trung tướng Nguyễn Ân dù tuổi cao, đi phải có người dìu, nhưng nhất quyết đến viếng Đại tướng cho bằng được. Còn Thiếu tướng Nguyễn Khắc Viện bồi hồi nhớ lại: "Đại tướng nhắn nhủ chúng tôi rằng phải rèn quân cho thật tốt, làm sao để hạn chế thương vong trên chiến trường. Suốt những năm qua, chúng tôi đã cố gắng làm thật tốt những điều khắc cốt ghi tâm ấy. Giờ đây trường vẫn thực hiện nghiêm lời dạy đó".
Trong bộ quân phục đã phai màu, ông Đinh Hữu Phương, 64 tuổi, ở phường Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội, ôm trong lòng tờ giấy chữ Nho đặt trong khung gỗ đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông từng là Trung úy, diễn viên Đoàn văn công Quân khu 3, có thời gian gắn bó thân thiết với nhà viết kịch nổi tiếng trong quân đội Tào Mạt (1930-1993). Tờ giấy ông mang đến là bút tích của ông Tào Mạt gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Tôi mang đến đây là để hoàn thành di nguyện mà cụ Tào Mạt đã gửi gắm" - ông cho biết, trước lúc lâm chung, nhà viết kịch Tào Mạt đã nhờ ông mang tờ giấy này đến tang lễ để tưởng nhớ khi Đại tướng từ trần. Nội dung bút tích này là: "Võ lược văn tài loạn thế sinh/Khai nguyên định giáp quán trung tinh/Vi sư vi tướng vi nhân giả/Phát bệnh tâm thư lạc thái bình - Tào Mạt gửi Tướng Giáp". Trong đó, ông Phương yêu nhất câu "Vi sư vi tướng vi nhân giả", ý nói rằng Đại tướng là người làm tướng, làm thầy nhưng lúc nào cũng gần gũi, thân thiện với mọi người. "Tôi còn nhớ mãi lần diễn vai An, trong vở "Đại đội trưởng của tôi". Sau khi diễn, Đại tướng lên bắt tay và hỏi han. Sự thân thiện và bàn tay ấm một cách kỳ lạ của Đại tướng cho đến giờ tôi vẫn không quên" - ông Phương bùi ngùi kể.
Đến viếng Đại tướng không chỉ có người dân Việt Nam từ khắp mọi miền Tổ quốc mà còn có cả những người bạn quốc tế. Dù chỉ một lần được gặp, nhiều người đã đem lòng cảm mến Đại tướng. Hay tin Đại tướng ra đi, họ đã lên đường đến Việt Nam để tiễn biệt như thể nếu không làm được điều đó, họ sẽ phải áy náy cả đời. Trong dòng người hướng về Nhà tang lễ Quốc gia hôm qua có anh Sean Reid, người Australia. Cầm trên tay tấm ảnh Đại tướng, kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi, anh cho biết, nghe tin Đại tướng mất, đã bay sang Việt Nam để tiễn biệt. "Hôm trước tôi đã đến viếng tại số 30 Hoàng Diệu, hôm nay có mặt ở đây, ngày mai tôi sẽ đi Quảng Bình. Tôi muốn hòa vào tình cảm của mọi người để thể hiện tình cảm yêu quý đối với Tướng Giáp" - anh Sean kể. Đặc biệt, có mặt từ rất sớm chứng kiến từ đầu Lễ tang Đại tướng, rồi theo dòng người dân đầu tiên vào viếng Đại tướng, có vợ chồng ông Polo Giambatista, Chủ tịch Hội Nông trại lớn (thuộc Liên minh Hợp tác xã Italia), thành phố Verona, Italia. Ông Polo mang theo cờ Italia, cờ Việt Nam và một tập ảnh ghi lại lần ông trong vai trò khách mời dự Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996 đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Tôi còn một cuốn sách có chữ ký của Tướng Giáp ở nhà" - ông Polo khoe với ánh mắt đầy tự hào. Polo và vợ đã bay ngay sang Việt Nam khi biết tin về Lễ Quốc tang dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. "Tôi biết Polo rất quý Tướng Giáp. Ông ấy muốn tiễn biệt một người đáng kính" - vợ Polo chia sẻ.
Cuối chiều qua, thể theo nguyện vọng của đồng bào, Ban Tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia từ 21h đến 24h ngày 12-10.
Tình cảm của đồng bào, những giọt nước mắt tiếc thương dành cho "Đại tướng của lòng dân" thật khó có thể đong đếm.
"Con sinh ra trong thời bình. Con chỉ biết Đại tướng qua trang sách, qua lời kể của mẹ cha, qua những bộ phim trên truyền hình, thế nhưng trong lòng con, Người tự lúc nào đã là người thân của gia đình con. Thưa Đại tướng, Người hãy ra đi thanh thản… Người hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ chúng con…", bạn Lê Thị Kiều Oanh (quê ở tỉnh Gia Lai), sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh nghẹn ngào ghi vào sổ tang khi đến viếng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Anh Nguyễn Văn Thường và con là bé Nguyễn Ngọc Nam Khánh, 6 tuổi, học lớp 1 tại Trường Tiểu học Phong Phú (quận 9, TP Hồ Chí Minh) dậy từ lúc 4h để đi viếng Đại tướng. Anh đưa con đến viếng để dạy con hiểu về công lao người đi trước, uống nước nhớ nguồn, hầu mong sau này con lớn lên sẽ là người tốt, có ích cho quê hương, đất nước.
Rất nhiều người trẻ, những em bé được cha mẹ đưa đến viếng Đại tướng. Nhiều học sinh còn cặp sách trên vai vừa bước ra từ lớp học đã theo cha mẹ đứng xếp hàng chờ viếng… Trong sổ tang, bên cạnh những nét chữ run run của những mái đầu bạc trắng là những nét chữ ngay ngắn thẳng hàng của những đôi bàn tay còn lấm lem màu mực tím. "Con tên là Bùi Quang Kiên. Con bảy tuổi. Con học Trường Lương Thế Vinh. Con đến đây thăm ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Những dòng chữ nắn nót nhưng vẫn còn nguệch ngoạc khiến nhiều người vô cùng xúc động. Tuy các cháu còn nhỏ nhưng không khí ngày hôm nay chắc chắn sẽ đọng lại trong tâm hồn các cháu khi lớn lên, để trở thành những người có ích cho đất nước. "Đại tướng không chỉ là nhân vật huyền thoại của lịch sử, của quá khứ mà thật sự là người đã đi vào tương lai".
Bàn thờ Đại tướng được lập ở nhiều nơi để người dân đến viếng Sáng 12-10, người dân khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những bàn thờ đã được lập nên tại nhiều khu vực sinh hoạt cộng đồng. Tại Hà Nội, các nhà văn hóa phường, tổ dân phố, thôn, làng và nhiều cơ quan, tổ chức đã lập các bàn thờ để cán bộ, đảng viên và nhân dân có điều kiện đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ 7h30, cùng với lễ viếng diễn ra ở 3 điểm chính tại Hà Nội, Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh, các điểm lập bàn thờ Đại tướng đồng loạt mở cửa, thực hiện các nghi thức để nhân dân đến viếng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.