Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử: “Mỹ” ở đâu?

Hoàng Lân| 26/10/2018 11:41

(HNMO) - Nghệ sĩ vốn được nhiều người theo dõi, nhất cử nhất động đều có sự ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội. Vậy nên, khi nghệ sĩ có những lời nói, hành động, ứng xử không đúng, không đẹp lập tức khiến dư luận “nổi sóng”.

Văn hóa ứng xử phải đi đôi tri thức

Vừa qua, khi hình ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tên lên mặt trước bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Hứa Thanh Bình để đấu giá từ thiện đã gây nên không ít bức xúc cho công chúng. Giới mỹ thuật cũng bày tỏ sự bất bình với hành động này.

Việc Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tên lên bức tranh được đấu giá khiến dư luận bất bình.


Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh bức xúc viết trên trang cá nhân: "Các nghệ sĩ showbiz ký tên lưu niệm lên mặt trước một tác phẩm hội họa. Họ đang bán đấu giá bức tranh hay bán đấu giá chữ ký? Thật đau lòng với cách ứng xử văn hóa của các nghệ sĩ làm văn hóa".

Họa sĩ Lương Lưu Biên bình luận: "Tốt cho hành động từ thiện, tiếc cho hành động ký tên lên tranh người khác. Buồn cho các bạn quá đi mất!".

Hành động ký tên của nghệ sĩ lên một tác phẩm nghệ thuật không thể nói là sự bột phát mang tính cá nhân, bởi cuộc bán đấu giá có sự tham gia của hàng trăm người, giới nghệ sĩ có mặt chứng kiến cũng có đến vài chục người. Đó phải chăng là xuất phát từ suy nghĩ giản đơn, thiếu hiểu biết và sự vô cảm với nghệ thuật?

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngay sau đó đã phải trực tiếp xin lỗi công chúng và tác giả bức tranh, đồng thời thừa nhận, do không hiểu biết được các nguyên tắc của hội hoạ nên đã có những hành động không đúng.

Cách đây nhiều năm, ca sĩ Phương Thanh cũng bị dư luận lên án khi thực hiện bộ ảnh cá nhân với hành động đứng lên sách. Với phần đông công chúng, sách là biểu tượng của tri thức, của văn hóa. Bởi thế, khi Phương Thanh đứng trên sách để chụp ảnh, nhiều người đã nổi giận khi cho rằng, cô đã có ứng xử thiếu văn hoá khi “giẫm đạp lên tri thức”.

Sau đó, nữ ca sĩ có lời giải thích rằng, đó chỉ là sản phẩm của photoshop nhưng nó cũng là bài học để nghệ sĩ và những người lên ý tưởng bộ ảnh phải cẩn trọng hơn. Không phải vật gì cũng có thể là đạo cụ để vô tư chụp ảnh.

Hay như hoa hậu Kỳ Duyên từng khiến cho nhiều người thất vọng vì những ứng xử thiếu chuẩn mực của một hoa hậu tại nơi công cộng. Hoa hậu Việt Nam 2014 không chỉ bị bắt gặp hình ảnh nằm hớ hênh trên máy bay, bày tỏ tình cảm thân mật quá đỗi với bạn trai ở nơi công cộng mà còn bị “bắt quả tang” khi cô hít bóng cười, hút thuốc lá ở chốn đông người.

Cái giá mà hoa hậu phải trả là cô bị Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cấm xuất hiện trong các sự kiện quảng bá cuộc thi. Đó được xem như là bài học để người đẹp phải xem lại ứng xử của mình khi đã đội lên đầu chiếc vương miện - được cho là đại diện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Lời xin lỗi quý ngàn vàng

Văn hóa ứng xử của mỗi người được hình thành từ nền tảng giáo dục và những tri thức, phông nền văn hóa được tích từ nhiều năm học hỏi. Với nghệ sĩ, văn hóa ứng xử còn thể hiện ở việc giữ gìn hình ảnh, lối sống và đạo đức nghề nghiệp. Khi Việt Nam hiện nay tồn tại cả “văn hóa thần tượng” thì cách hành xử của nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng trong việc xây dựng lối sống đẹp.

Điều này cho thấy, nghệ sĩ khi đã trở thành người của công chúng thì họ càng cần phải tự ý thức trách nhiệm nhiều hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, chuẩn mực trong lời nói và ứng xử với đồng nghiệp, những người xung quanh.

Hương Giang và Trang Trần từng xin lỗi vì những phát ngôn của mình gây bức xúc cho công chúng.


Thực tế, câu chuyện ứng xử của nghệ sĩ có không ít vụ việc đáng tiếc và đáng buồn. Công chúng không ít lần ngán ngẩm về những cãi vã, những lời đấu tố, thái độ trịnh thượng của một số nghệ sĩ với đồng nghiệp.

Đến nay, nhiều người vẫn chưa quên vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với thái độ “xấc xược” với cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9; người đẹp Hương Giang Idol với phát ngôn xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân; MC Trấn Thành với lời thách thức khán giả để rồi sau đó anh bị khán giả tẩy chay một thời gian dài; người mẫu Trang Trần có thái độ chống đối, phát ngôn thiếu văn hóa với lực lượng công an đang làm nhiệm vụ...

Có không ít câu chuyện buồn từ những ứng xử thiếu chuẩn mực và chính nghệ sĩ phải chịu hậu quả cho những hành xử không đúng ấy. Người có hiểu biết thì sẽ nhanh chóng nhận ra cái sai của mình và biết xin lỗi.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hẳn sẽ không bao giờ quên vụ việc với cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhưng chỉ khi chịu áp lực lớn từ dư luận mới đến gặp nhạc sĩ để xin lỗi. Lời xin lỗi muộn của nam ca sĩ dù được chấp nhận tại thời điểm đó nhưng câu chuyện của anh với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đến nay vẫn còn khiến nhiều người nhớ.

Sau nhiều lần “vạ miệng” và phải công khai xin lỗi đồng nghiệp, ca sĩ Tuấn Hưng thừa nhận, có những hành động sai lầm mà nếu chỉ vì cái “tôi” quá lớn, không chịu nhìn nhận sự việc đúng - sai nghiêm túc thì nghệ sĩ sẽ bị trượt dài trong những sai lầm ấy.

Lời xin lỗi không phải là việc làm có thể xóa đi những sai sót trong ứng xử nhưng đó là hành động cần thiết để tự bản thân mỗi người nhìn nhận lại mình và sửa sai. Trong showbiz hay ngoài đời thực, xin lỗi cũng cần có văn hóa và được thực hiện đúng lúc, chân thành thì mới có giá trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử: “Mỹ” ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.