(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra những vụ xâm hại trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội. Công an thành phố Hà Nội khẳng định, đây là loại tội ác không thể dung thứ nên đã có nhiều biện pháp chủ động ngăn chặn nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại trẻ em...
Tội ác không thể dung thứ
Trong hai năm (2021-2022), Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra, giải quyết 229 vụ với 281 đối tượng có hành vi xâm hại 240 trẻ em. Qua đó đã xử lý hình sự 214 vụ với 252 đối tượng; xử lý hành chính 6 vụ... Các vụ xâm hại trẻ em xảy ra chủ yếu ở địa bàn ngoại thành, với 139 vụ. Hậu quả của các vụ xâm hại trẻ em để lại vô cùng nặng nề, làm ảnh hưởng đến tinh thần, tâm sinh lý của trẻ em. Rất đau lòng là đã có 9 trẻ em nữ mang thai, 26 trẻ em bị thương tích, 4 em trẻ chết hoặc tự tử...
Gần đây nhất, ngày 11-12, Công an huyện Quốc Oai đã tạm giữ Nguyễn Thanh Thi (sinh năm 1985; ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi “Giết người”. Nạn nhân là cháu N.M.Kh (6 tuổi) - con đẻ của Thi. Được biết, từ tháng 8-2022, sau khi ly hôn, Thi được quyền nuôi cháu Kh và đón cháu từ Thái Nguyên về sinh sống cùng người tình tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Đầu tháng 12-2022, cho rằng cháu Kh không ngoan, lười học, Thi dùng 1 chiếc muôi múc canh bằng kim loại đánh vào vùng đỉnh đầu cháu Kh. Đến tối 9-12, Thi phát hiện cháu Kh có biểu hiện sức khỏe yếu, toàn thân tím tái nên đã đưa đi cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi vì đa chấn thương.
Hay như trường hợp cháu H.H.B (sinh năm 2009) bị mẹ đẻ hành hạ và người tình của mẹ là Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1990; ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) hiếp dâm nhiều lần trong thời gian dài mới được phát hiện… Đặc biệt, đã xảy ra một số vụ trẻ em bị bạo hành rất tàn bạo, để lại hậu quả nghiêm trọng, như vụ cháu Đ.N.A (sinh năm 2018), bị Nguyễn Trung Huyên (sinh năm 1992; ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), là người tình của mẹ bạo hành, đóng 9 chiếc đinh vào đầu khiến cháu tử vong sau một thời gian dài hôn mê…
Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), thủ đoạn chính của tội phạm xâm hại trẻ em thường là thông qua trang mạng xã hội để làm quen, gặp gỡ, dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, một số thủ đoạn khác như dùng vũ lực ép buộc, dùng vật chất để lừa gạt hoặc dùng chất kích thích khống chế. Ngoài ra, một vài trường hợp xâm hại trẻ em khác trong quan hệ gia đình hoặc quan hệ trong cơ sở giáo dục. Các đối tượng có thành phần xã hội khác nhau, nhưng phần lớn có trình độ văn hóa thấp, nhận thức còn hạn chế.
Chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng Công an Thủ đô đã thực hiện đầy đủ, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em. Hiện tại, ngoài triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, Công an thành phố đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt, Công an thành phố tập trung xây dựng và duy trì nhiều mô hình như: “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em, người chưa thành niên bị xâm hại tình dục”, “Liên kết trường học, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản của học sinh”…
Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam Nguyễn Mạnh Huy cho biết, kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến cho thấy, hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em là rất quan trọng để phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam luôn là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho phụ huynh và con em khi xảy ra bất kỳ sự cố xâm hại nào.
Ở góc độ cơ sở, Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Đình Hà cho biết, địa phương thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em trên hệ thống bảng tin, loa truyền thanh, nhất là việc các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, xác định tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nhất là việc các đối tượng phạm pháp lợi dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, cơ quan công an sẽ chủ động nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình, ngăn chặn từ sớm, từ xa. Lực lượng công an cùng các cơ quan tư pháp sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em đã được phát hiện để răn đe, phòng ngừa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.