Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường phòng ngừa xâm hại trẻ em

Vân Anh| 02/08/2022 07:22

(HNM) - "Làm gì để phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em?" là chủ đề của một chương trình do Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuối tháng 7 vừa qua - thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Những khuyến nghị hữu ích từ chương trình góp phần phổ biến kiến thức, hỗ trợ tăng cường phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (bên trái) chia sẻ các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 2 năm từ tháng 9-2019 tới tháng 9-2021, nước ta ghi nhận tới hơn 4.000 ca xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, trong đó 20% nạn nhân là trẻ em nam. Đáng lo ngại, đa phần người xâm hại là người thân, người quen với trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị xâm hại chịu sự tổn thương nặng nề về tinh thần và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em. Bên cạnh đó, phần lớn trẻ bị mặc cảm và không có sự phát triển bình thường. Trẻ từng gặp xâm hại sẽ gặp cản trở và khó khăn trong giao tiếp cộng đồng.

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ thực hiện nhiệm vụ này đối với những trường hợp trẻ em bị xâm hại bởi những người thân trong gia đình bị bệnh lý về tình dục hoặc suy thoái đạo đức. Các em còn đang ở độ tuổi trong sáng, dễ tin tưởng những người xung quanh mình, nhận thức của các em về việc bảo vệ cơ thể mình còn hạn chế. Đặc biệt, hầu hết trẻ em nam tiếp xúc với người cùng giới hầu như không phòng bị, đặc biệt trong các mối quan hệ thầy - trò, con cái - cha mẹ... Trong các mối quan hệ ấy, nhiều em ở trong thế bị động và không dám phản kháng, không dám tố cáo. Chính vì vậy, việc các cơ quan chức năng tăng cường cung cấp, trang bị cho trẻ em các kỹ năng để bảo vệ bản thân, giúp các em tránh khỏi những hành vi xâm hại tình dục là vô cùng quan trọng.

Không phải ngẫu nhiên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhiều lần khẳng định: “Với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, hãy thông báo càng sớm càng tốt cho các cơ quan chức năng, hãy gọi điện ngay đến Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em 111. Người báo tin hoàn toàn yên tâm về việc bảo mật thông tin và trẻ em sẽ được can thiệp, bảo vệ trong thời gian sớm nhất”. Thực tế cho thấy với các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, người trong cuộc và gia đình càng sớm gửi đơn thư tố cáo, càng sớm nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng trong việc nhanh chóng thu thập chứng cứ, tập hợp lời khai, giám định ADN, những dấu vết để lại trên cơ thể và xác định hậu quả đối với nạn nhân để có căn cứ buộc tội đối tượng có hành vi xâm hại tình dục.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, với những tội liên quan tới xâm hại tình dục, bất kỳ ai phát hiện đều có quyền tố cáo, tố giác tội phạm và cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra xác minh, giám định. Luật sư Đặng Văn Cường cũng khuyến nghị cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng, của trường học trong việc phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em. Ngay khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà, cộng đồng phát hiện cần tố cáo ngay với cơ quan công an, cố gắng bảo quản hiện trường, tạo điều kiện để cơ quan chức năng thực hiện giám định, thu lại chứng cứ; cho con đi thăm khám, giám định tại bệnh viện có chứng nhận của bác sĩ; chia sẻ, động viên các con, để các con khai ra các hành vi của người phạm tội…

Việc tổ chức chương trình "Làm gì để phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em?", phổ biến trên mạng xã hội, các trang tương tác fanpage, kênh Youtube… phần nào cho thấy sự đổi mới các hoạt động truyền thông về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em của các cơ quan chức năng; khẳng định nỗ lực của các bên liên quan trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, góp phần phổ biến các địa chỉ tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phòng ngừa xâm hại trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.