(HNM) - Có một thực tế là hiện nay, người tiêu dùng khi mua hàng ở các chợ dân sinh, luôn có cảm giác không yên tâm vì thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bày bán tràn lan. Vì tiện lợi và giá cả hợp lý, nhiều người đã “tặc lưỡi
Nhiều mặt hàng tươi sống không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan tại các chợ. Ảnh: Thái Hiền |
Mập mờ chất lượng, giá cả
Chợ Trung Tự (quận Đống Đa), chưa đến 7h sáng nhưng đã rất đông. Hàng thịt, hải sản tươi sống liền kề hàng thức ăn chín như giò, chả, vịt quay, thịt nướng... Giá nhiều loại thực phẩm ở đây rẻ hơn nhiều so với cùng loại được bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Chị Nguyễn Hồng Yến, một người dân gần chợ phản ánh, chị chọn thực phẩm bằng cảm quan chứ không biết nguồn gốc từ đâu. Còn bà Nguyễn Thị Tâm Môn, bán thịt lợn tại chợ Trung Tự cho biết, mỗi ngày sạp hàng của bà tiêu thụ hơn 50kg thịt lợn, được lấy từ điểm giết mổ ở huyện Đông Anh, chỉ cần gọi điện thoại là hàng được đưa đến tận quầy, không cần hợp đồng và cũng không cần biết nguồn cung cấp thịt là từ hộ dân nào.
Vào giờ tan tầm cuối giờ chiều 29-5, chúng tôi đã khảo sát một số chợ trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tại chợ Khương Đình (phường Khương Đình), ở các gian hàng hoa quả, người bán nào cũng khẳng định là hoa quả sạch, nhưng khi hỏi giấy tờ chứng minh, chủ hàng nói: "Làm gì có ai có giấy tờ. Tất cả quả ở đây nhập từ chợ Long Biên về bán". Ở khu chế biến gia cầm, những lồng gà, vịt, ngan được bày chiếm cả lối đi, cạnh đó là bếp than, nồi nước sôi giết mổ tại chỗ. Chất thải, nước rửa chảy lênh láng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc...
Khảo sát thêm một số chợ thu hút nhiều người dân như chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), chợ Nhà Xanh ở phố Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy)… cho thấy, phần nhiều sản phẩm bày bán tại đây đều là “3 không”: Không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng. Chị Nguyễn Thị Thuận, chủ quầy bán hoa quả chợ Phùng Khoang cho biết: Chỉ nhìn vào mắt thường thấy thực phẩm còn tươi ngon thì nhập về bán, còn chưa khi nào hỏi về nguồn gốc, giấy tờ kiểm định chất lượng. Tại chợ Nhà Xanh, giá thực phẩm, rau, củ, quả rất rẻ, chỉ bằng 2/3 hàng cùng loại bán tại siêu thị. Còn tại chợ Mun, chủ yếu phục vụ nhu cầu công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, thực phẩm kém chất lượng bày bán tràn lan, các loại cá, mực, tôm đã chuyển màu nhưng vẫn đông người mua.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, hiện các hành vi vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm phổ biến tại các chợ dân sinh là: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không bảo đảm điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện... Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 (từ ngày 15-4 đến 15-5) có 18.852 cơ sở, bao gồm các chợ dân sinh được kiểm tra, qua đó cơ quan chức năng phát hiện 2.795 cơ sở vi phạm. Số tiền phạt hành chính lên đến hơn 4 tỷ đồng.
Kiểm tra, kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm
Khu giết mổ gia cầm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại một chợ dân sinh. |
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của nhiều ngành như Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... cùng chính quyền các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, công tác phối hợp giữa các ngành khá tốt, nhưng hiện vẫn có tồn tại như: Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu vào Hà Nội còn phổ biến; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ gặp nhiều khó khăn; công tác kiểm tra, xử lý của cấp huyện và cấp xã chưa nghiêm minh, nên vi phạm còn nhiều... Trong khi đó, bộ máy tổ chức cán bộ còn thiếu, trình độ hạn chế, chưa có cán bộ chuyên trách; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong lựa chọn thực phẩm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là ở chợ dân sinh, chưa quan tâm quy chuẩn, quy định...
Còn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường nhận định: Nguyên nhân mất an toàn thực phẩm còn do cơ sở hạ tầng các chợ đã xuống cấp; ban quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm kinh doanh; sự hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thương nhân tại các chợ còn thấp...
Để khắc phục thực trạng trên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, phải thường xuyên nắm bắt khó khăn của người sản xuất, kinh doanh để hướng dẫn họ chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở góc độ địa phương, bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Kim Liên (quận Đống Đa) nêu giải pháp của phường là kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm minh các sai phạm. Trong khi đó, ông Lê Văn Khánh, Trưởng ban Quản lý chợ Mun (huyện Đông Anh) khẳng định, cần chấm dứt việc giết mổ, sơ chế thực phẩm ngay tại các chợ, thay vào đó là ưu tiên các sản phẩm đã được sơ chế, bảo quản tốt...
Để ngăn chặn triệt để thực phẩm "3 không" tại nhiều chợ dân sinh, rõ ràng cần có sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, kiểm soát chặt thực phẩm từ nơi sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.