Ngày 24-4, Đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 4 tháng đầu năm và Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.
Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, hiện trên địa bàn có 1.748 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 4 siêu thị, 11 chợ; 24 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; sản lượng giết mổ bình quân là 711 tấn/tháng.
Bốn tháng đầu năm 2024, thị xã và các xã, phường đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành và chuyên ngành, các đoàn giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt, tập trung vào kiểm soát an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân.
Theo đó, đã kiểm tra 598 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở với số tiền hơn 204 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là bày bán, chứa, đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu, sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng...
Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục triển khai mô hình “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học” trên địa bàn thị xã Sơn Tây năm 2024; duy trì mô hình “Khu đô thị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm” tại Khu đô thị HUD - Sơn Tây, phường Trung Hưng. Nhờ chủ động giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, 4 tháng đầu năm 2024, không có vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thị xã còn khó khăn như: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trên địa bàn thị xã, chưa có cơ sở giết mổ tập trung, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân cư gây ô nhiễm vệ sinh môi trường và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đề nghị thời gian tới, thị xã cần đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh; duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở, cần tích cực triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để cảnh báo nguy cơ, đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.
* Chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội cũng đã kiểm tra tại huyện Ba Vì.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, hiện trên địa bàn có 2.735 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị và 23 chợ. Từ đầu năm đến nay, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các xã, thị trấn, chủ yếu là phổ biến kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2024... Cùng với đó, huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm...
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội cũng đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Trường Mầm non Họa Mi (thị xã Sơn Tây) và Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.