Nga đã gọi những cáo buộc mới đây nhất của Mỹ cho rằng Moskva dính líu đến cuộc xung đột ở Ukraine là một “chiến dịch bôi nhọ” vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Washington phải chịu trách nhiệm về cuộc đổ máu tại quốc gia Đông Âu này.
Trong tuyên bố ngày 25/7, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi bác bỏ những lời bóng gió vô căn cứ trước công chúng” như Moskva đang cung cấp vũ khí cho lực lượng đòi liên bang hóa tại các tỉnh miền Đông Ukraine. Tuyên bố gọi đó là một “chiến dịch bôi nhọ”, đồng thời chỉ rõ chính Mỹ đã tiếp tay cho cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ do dân bầu ở Kiev và hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về cuộc đổ máu tại Ukraine. Tuyên bố cũng cho rằng phía Mỹ đang ngày càng đi xa hơn trong việc kích động làm căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ.
Trong khi đó, đề cập đến vụ pháo kích nhằm vào lãnh thổ Nga, Ủy ban Điều tra Nga ngày 25/7 khẳng định việc Ukraine bắn 45 quả đại bác vào khu vực tỉnh Rostov của Nga, biên giới giáp với miền Đông Ukraine là nhằm tấn công các nhân viên thực thi pháp luật của Nga. Tuy không gây thương vong, song nhiều nhà dân và đường dây tải điện đã bị hư hỏng. Ngoài ra, vụ pháo kích khiến gần 50 người phải đi sơ tán.
Liên quan đến các biện pháp trừng phạt Nga, ngày 25/7, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản đối với một số quan chức hàng đầu của Nga, trong đó có Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang (FSB) Alexander Bortnikov và Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại, ông Mikhail Fradkov
Hai nhân vật trên nằm trong số 15 người Nga hoặc Ukraine cùng 18 công ty và các tổ chức khác bị nêu tên trong danh sách trừng phạt mới nhất được đăng trên tạp chí chính thức của EU.
Trước đó, đại sứ các nước thành viên EU đã đạt được một số thỏa thuận cụ thể về các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Moskva, theo đó EU yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - xây dựng một văn bản pháp quy nêu rõ các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga liên quan tới thảm họa máy bay của Hãng Hàng không Malaysia rơi tại miền Đông Ukraine. Ngoài ra, EC cũng đề xuất 4 nội dung trừng phạt chính: đóng cửa thị trường EU đối với các ngân hàng nhà nước của Nga, cấm vận buôn bán vũ khí với Moskva, hạn chế bán năng lượng và các công nghệ phục vụ cả mục đích dân sự - quân sự. Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng cho biết lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp dầu khí và các mặt hàng khác từ phía Nga.
Dự kiến, các nước thành viên sẽ xem xét văn bản dự thảo trong hai ngày cuối tuần và gửi phản hồi tới EC trong ngày 28/7./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.