(HNM) - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế và Bảo vệ môi trường Đức, nền kinh tế nước này có thể rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí suy thoái vào cuối năm nay. Cú sốc giá năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành sản xuất và cuộc sống người dân nước này. Tình trạng tiêu cực sẽ tiếp tục kéo dài nếu Nga và Liên minh châu Âu (EU) duy trì trừng phạt lẫn nhau.
Phân tích về bức tranh kinh tế Đức hiện tại, trang Bussiness Insider cho rằng, nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đang phải gánh chịu những áp lực lớn. Về công nghiệp, cả sản lượng sản xuất công nghiệp và các đơn đặt hàng mới đều giảm trong tháng 7-2022. Đối với thị trường bán lẻ, dù doanh số phục hồi nhưng tâm lý tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh mặt bằng giá cả tăng mạnh. Lĩnh vực ngoại thương cũng phát triển yếu, giá trị xuất khẩu giảm.
Tỷ lệ lạm phát đã tăng trở lại trong tháng 8 với mức 7,9%. Trong tháng 9, gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và vé tháng phương tiện công cộng không còn hiệu lực nên dự kiến tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng. Số liệu từ Cơ quan thống kê Liên bang Đức cho biết, giá xăng dầu tại nước này hiện đắt hơn so với tất cả các quốc gia EU khác. Mức giá trung bình hằng ngày cho 1 lít xăng Super E5 là 2,07 euro (tương đương 2 USD) và 1 lít dầu diesel là 2,16 euro. Trong khi đó, tại các nước láng giềng của Đức như Đan Mạch hay Hà Lan, giá một lít xăng E5 cùng ngày lần lượt ở mức 2,04 euro và 2,01 euro.
Dù các kho dự trữ khí đốt của Đức đang tiếp tục gia tăng khối lượng dự trữ, nhưng giá khí đốt cao đã dẫn đến những thiệt hại cho doanh nghiệp và gây tác động xấu đến phúc lợi xã hội. Theo thống kê, gần 25% số công ty có ít hơn 1.000 nhân viên đã hủy hoặc từ chối đơn đặt hàng. Các vấn đề về chuỗi cung ứng, sự gia tăng chi phí về lao động và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất đã khiến nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo dự báo, tỷ lệ lạm phát tại Đức trong năm 2022 là 8,1% và sẽ tiếp tục tăng lên 9,3% trong năm 2023, thậm chí có thể lên đến 11% trong quý I-2023 do giá điện và khí đốt dự kiến sẽ tăng vọt. Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho biết, giá điện bán đầu năm sau tại Đức đã tăng gấp 15 lần, lên gần 1000 euro/MWh, trong khi giá khí đốt cũng tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm 2022.
Trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế, thị trường cổ phiếu có uy tín đã sụt giảm khoảng 27% so với năm trước. Mức giảm này gần gấp đôi thị trường FTSE 100 của Anh hoặc S&P 500 tại Mỹ. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2022 của Đức giảm 0,7%, xuống còn 1,4%. Nhiều nhà kinh tế thậm chí còn cho rằng, do sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt của Nga, chiếm 55% sản lượng tiêu thụ tại nước này, đà suy thoái của Đức sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2023 và khiến GDP của Đức lần lượt giảm 0,4% trong quý I và 0,2% trong quý II-2023.
Để đối phó với tình trạng lạm phát và ổn định nền kinh tế, Bộ Tài chính Đức đã tung ra gói cứu trợ lên tới 13 tỷ euro (tương đương 12,86 tỷ USD). Theo đó, các công ty sử dụng nhiều năng lượng sẽ nhận được tổng cộng 3 tỷ euro trong năm nay và năm 2023. Khoảng 8,5 tỷ euro sẽ được dành để giảm thuế giá trị gia tăng đối với tiêu thụ khí đốt trong năm 2022 và 2023... Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho rằng, tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt giữa Nga và EU lên nền kinh tế Đức có thể kéo dài đến năm 2025 khi Berlin có khả năng độc lập với nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.