Góc nhìn

Nền tảng kiến tạo phát triển

Chí Kiên 30/07/2023 - 06:15

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là “đòn bẩy”, là nền tảng kiến tạo phát triển đất nước.

Nghiêm túc thực hiện trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với hàng chục nội dung về đề nghị xây dựng luật, dự án luật, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội…

Trên tinh thần nhất quán là hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển, thời gian qua, Chính phủ luôn xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu và phải tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi. Đặc biệt, nhiệm vụ này được thực hiện trên cơ sở lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và trên hết là từng bước tạo lập được khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Theo đó, thời gian qua, nhiều nội dung quan trọng đối với phát triển đất nước đã được Chính phủ xem xét, thảo luận, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi)… Đáng chú ý, trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2023 (tổ chức ngày 26-7 vừa qua), Chính phủ đã dành thời gian thảo luận và thống nhất sẽ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết đang được người dân và cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, về các vấn đề như: Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế; đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ…

Với khối lượng công việc lớn, phức tạp, có tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, việc từng bước hoàn thiện thể chế đã cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ trong triển khai một trong 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong kết luận phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2023 là: “Tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đột phá về hạ tầng và thể chế, đạt được những kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được”.

Những vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần phải được giải quyết, tháo gỡ kịp thời để mở đường cho nước ta phát triển nhanh và bền vững. Quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này phải bảo đảm phát huy toàn diện mọi nguồn lực, tạo ra động lực phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, việc rà soát, giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phải trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Quan trọng hơn là phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi. Đây chính là căn cứ quan trọng để việc hoàn thiện thể chế luôn bám sát đời sống; sao cho cơ chế, chính sách khi đi vào thực tiễn bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhất.

Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển. Thể chế chất lượng cao, sát thực tế, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Nhiệm vụ quan trọng này, hơn hết, phải được tập trung công sức, trí tuệ, thực hiện bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng kiến tạo phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.