(HNM) - Ngày 16-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi); thảo luận về việc phê chuẩn bổ nhiệm hai Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và các dự án: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi).
Về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm đồng tình trước ý kiến đề nghị đưa nợ công về một đầu mối phụ trách, từ đó gắn trách nhiệm vay, trả nợ. Trong khi đó, thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến việc mở rộng hình thức tố cáo, bảo vệ người tố cáo.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhật Nam |
Một mình một kiểu
Tại dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chính phủ vẫn đề nghị giữ nguyên ba đầu mối như hiện hành: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về vốn đối ứng, cân đối trả nợ, đàm phán vay với các đối tác song phương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đàm phán vay vốn ODA và phân bổ vốn; Ngân hàng Nhà nước đàm phán các khoản vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Song tại phiên họp, nhiều đại biểu không đồng tình với phương án này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Việt Nam quản lý nợ “một mình một kiểu”, từ đi vay đến đầu ra của đồng vốn có nhiều cơ chế quản lý với các đầu mối đại diện nên khi xảy ra vấn đề, khó quy trách nhiệm. Do đó, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, nhất thiết nên giao về một đầu mối quản lý. “Bộ Tài chính không đề xuất giao Bộ Tài chính mà có thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ngân hàng Nhà nước, thậm chí Văn phòng Chính phủ, nhưng kinh nghiệm tổng kết các nước phần lớn là giao Bộ Tài chính” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Tranh luận về chuyện nên thống nhất một đầu mối quản lý nợ công hay vẫn để nguyên ba đầu mối, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cũng đồng tình với ý kiến nếu quy về một đầu mối sẽ gắn trách nhiệm vay, trả nợ, cân đối nguồn. Từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác phân tích nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, giảm các đầu mối tài chính trung gian.
Bên cạnh đề nghị thống nhất lại đầu mối quản lý nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, nợ công tăng nhanh do bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán bởi nhiều địa phương có nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở. Đầu tư công quá lớn mà không đem lại hiệu quả tương thích. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 9-11-2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định trần nợ công là 65% GDP đến cuối năm 2020. Vì thế quản lý nợ công không chỉ trông chờ vào Luật Quản lý nợ công mà phải đồng bộ với nhiều luật hiện hành. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước để kiểm soát chi tiêu thường xuyên của bộ máy hành chính. Cũng cần đẩy nhanh tái cơ cấu, sắp xếp, hợp nhất, giải thể, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào các đơn vị yếu kém. Đó mới là căn cơ để kiểm soát an toàn nợ công hiện nay.
Các ý kiến phát biểu sau đó cũng dẫn những ví dụ điển hình như nợ của Vinashin với các ngân hàng thương mại, Chính phủ cuối cùng vẫn phải bỏ ra một số tiền để bù đắp. Nợ cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến rủi ro trong quá trình điều hành ngân sách và đề nghị làm rõ phạm vi của nợ công.
Nhiều hình thức tố cáo, nhưng phải chính danh
Thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều tranh luận sôi nổi về vấn đề bảo vệ người tố cáo, hình thức tố cáo và thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, trong thực tế, nhiều trường hợp còn có người cung cấp thông tin liên quan đến việc tố cáo cho người tố cáo mà họ không phải là người thân thích của người tố cáo, chỉ là bạn bè, đồng nghiệp… Như vậy, họ cũng cần được bảo vệ. Song Ban soạn thảo chưa quan tâm đến đối tượng này. Cùng chung ý kiến, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho rằng, mặc dù dự thảo luật đã dành một chương riêng để quy định về bảo vệ người tố cáo nhưng chưa khả thi, chưa xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong bảo vệ người tố cáo, các biện pháp bảo vệ người tố cáo chưa đủ mạnh. Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị, cần nghiên cứu để quy định rõ cơ quan đầu mối có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
Về hình thức tố cáo, dự án luật đề xuất thực hiện tố cáo trực tiếp và qua đơn tố cáo. Nhiều đại biểu tán thành quy định này nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần mở rộng hình thức tố cáo. Theo đại biểu Phạm Trí Thức (Đoàn Thanh Hóa), nếu chỉ chấp nhận hai hình thức tố cáo trực tiếp và có đơn là quá lạc hậu so với thời cuộc, nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay. Đó là chưa kể, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã cho phép tố cáo qua thư điện tử, điện thoại... có ghi danh. Từ thực tiễn, đại biểu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, nên cho tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, vì xác minh cũng dễ dàng.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, hình thức nào không quan trọng, vấn đề là phải chính danh. Nếu không chính danh hoặc lợi dụng danh người khác để tố cáo, vu khống thì phải xử phạt nghiêm.
Với vấn đề thời sự dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm hiện nay là xử lý kỷ luật cán bộ về hưu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) thông tin, cử tri đặt rất nhiều câu hỏi. Việc xử lý sai phạm của cá nhân về lý không thể bỏ qua trách nhiệm của tập thể đơn vị người đó từng công tác. Nhưng về tình thì rất có thể sẽ có sự kiêng nể của những người đã từng công tác với nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị, không giao thẩm quyền xem xét việc giải quyết khiếu nại tố cáo với người đã về hưu cho cơ quan mà người đó đã công tác, nên giao cho đơn vị cấp cao hơn làm sẽ khách quan hơn.
Xây dựng đường sắt chuyên dùng được hưởng ưu đãi về sử dụng đất Chiều 16-6, với 397/403 đại biểu biểu quyết tán thành, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định về: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt. Luật gồm 10 chương, 87 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Đáng lưu ý, Luật Đường sắt (sửa đổi) có chương riêng (Chương XIII) về đường sắt tốc độ cao, nêu rõ "Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao". Đây được coi là bước chuẩn bị tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng làm cơ sở cho quá trình đầu tư, quản lý, khai thác đường sắt cao tốc sau này thuận lợi. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do đường sắt là lĩnh vực đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại nguồn vốn chậm. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung về ưu đãi như dự thảo Luật để tạo đột phá về các nguồn lực đầu tư. Một số ý kiến đề nghị cần có các ưu đãi hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng không kết nối với đường sắt quốc gia. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường sắt chuyên dùng đều được hưởng ưu đãi về sử dụng đất... Thanh Hải |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.