Duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ ở mức trên 9 năm, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững.
Thông tin trên được Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết tại họp báo chuyên đề về kết quả công tác trọng tâm 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra chiều 18-7.
Tính đến hết ngày 30-6-2024, thu ngân sách nhà nước đạt 1.027.173 tỷ đồng, bằng 60,39% dự toán năm 2024; so với cùng kỳ năm 2023, tăng 150.972 tỷ đồng về giá trị và tăng 6,33% về tỷ lệ thực hiện.
Về kiểm soát chi ngân sách qua KBNN, đối với chi thường xuyên, cũng tính đến thời điểm trên, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 484.035 tỷ đồng, bằng 38,1% dự toán chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng); so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 28.135 tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 0,4% về tỷ lệ so với dự toán.
Về chi đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, lũy kế thanh toán là 185.767,5 tỷ đồng; bằng 27,8% kế hoạch năm 2024. Lũy kế thanh toán vốn đầu tư kéo dài năm trước chuyển sang năm 2024 qua hệ thống KBNN là 8.558,7 tỷ đồng/52.546,3 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch vốn năm trước chuyển sang năm 2024 được xác nhận chuyển nguồn qua hệ thống KBNN.
Đáng chú ý, cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ là 156.502 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm; kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2024 là 10,89 năm, phù hợp với mục tiêu (9-11 năm). Qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu chính phủ ở mức trên 9 năm (9,03 năm), góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững.
KBNN cũng cho biết, 6 tháng qua, hệ thống KBNN đã triển khai thực hiện 119/226 cuộc thanh tra chuyên ngành, đạt 52,65% so với kế hoạch; đã phát hiện tổng số tiền vi phạm 868,9 triệu đồng, số tiền kiến nghị thu hồi 716,5 triệu đồng, số tiền kiến nghị xử lý khác 152,4 triệu đồng; đã ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt 65,1 triệu đồng.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến tồn quỹ ngân sách lên tới 1 triệu tỷ đồng, Cục trưởng Quản lý ngân quỹ (KBNN) Lưu Hoàng cho biết, đây là khoản tiền tồn quỹ ngân sách nhà nước. Hiện nay, tồn quỹ ngân sách nhà nước gồm 2 cấp: Trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công.
Về việc chuẩn bị cho cải cách tiền lương, theo ông Hoàng, khoản tiền đã sẵn sàng, KBNN chi khi có văn bản yêu cầu từ các đơn vị.
Liên quan đến nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, Vụ trưởng Kiểm soát chi (KBNN) Trần Mạnh Hà cho hay, nguyên nhân chính vẫn là vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên không thể thi công để có khối lượng thanh toán. Bên cạnh đó, khó khăn về vật liệu hay nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Phía KBNN luôn bảo đảm hệ thống thanh toán ngay khi hồ sơ gửi đến. “Thời gian tới, KBNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai thanh toán trực tuyến, hỗ trợ chủ đầu tư giải ngân qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; đồng thời, sẵn sàng giải ngân vốn khi chủ dự án hoàn thành khối lượng, gửi hồ sơ thanh toán, giám sát giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm không chậm muộn giải ngân" ông Hà nhấn mạnh.
Tính đến hết ngày 30-6-2024, tổng số tiền huy động vào Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 là 10.808,71 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 176,1 tỷ đồng); chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng (chi mua và sử dụng vắc xin 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 4,6 tỷ đồng); số dư Quỹ cuối là 3.136,51 tỷ đồng; số tổ chức, cá nhân đã ủng hộ vào Quỹ là 694.092 lượt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.