Tài chính

Nợ công của Việt Nam bằng 37,26% GDP

Đình Hiệp 30/05/2024 - 16:42

Năm 2022, bội chi ngân sách Nhà nước là 442.233 tỷ đồng, trong đó, bội chi theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 372.900 tỷ đồng. Tổng số nợ công là 3.557.668 tỷ đồng, bằng 37,26% GDP.

toan-canh.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 30-5. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 30-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. Trong đó, có báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Tổng số nợ công là 3.557.668 tỷ đồng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số thu NSNN năm 2022 là 1.413.408 tỷ đồng, trong đó, tổng số thu theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 1.411.700 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng, trong đó, tổng số chi theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 1.784.600 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng, trong đó, bội chi theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 là 372.900 tỷ đồng. Tổng số nợ công là 3.557.668 tỷ đồng, bằng 37,26% GDP.

Ngân hàng Thế giới đưa ra mức quy định ngưỡng an toàn nợ công là 50% GDP. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ hợp lý với trường hợp các nước đang phát triển nên ở mức dưới 50% GDP.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội.

ho-duc-phuoc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn. Qua đó, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, sau 3 năm tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền thực hiện xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.838 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.770 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu thực tế một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đầu tư công chậm do việc phân bổ, giao kế hoạch vốn còn chậm. Dự án khởi công mới đang triển khai thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp nên chưa có khối lượng làm cơ sở thực hiện giải ngân.

Cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ dân vẫn còn khiếu nại, khiếu kiện, chưa nhận tiền bồi thường và không đồng ý bàn giao mặt bằng sạch để các đơn vị thi công triển khai thực hiện nên không có khối lượng để thanh toán.

Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm; thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị; số chi chuyển nguồn tiếp tục phát sinh lớn. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán NSNN chậm so với thời gian quy định.

Kiến nghị tăng thu NSNN 3.841 tỷ đồng

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902 tỷ đồng) so với dự toán giao, bằng 114,3% so với thực hiện năm 2021 (1.591.411 tỷ đồng).

ngo-van-tuan.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đa số các khoản thu vượt dự toán, còn một số khoản thu đạt thấp; tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua kiểm toán và kiến nghị tăng thu NSNN 3.841 tỷ đồng.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, còn tình trạng một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ.

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN. Nhờ đó, việc quản lý thu, chi NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến.

quang-manh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể: Dự toán chi NSNN không sát, dẫn đến một số khoản chi thường xuyên, giải ngân đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán; phải hủy bỏ hoặc chuyển nguồn sang năm sau lớn.

Cùng với đó là tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tồn tại ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN chưa được khắc phục.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính. Trong đó, làm rõ nguyên nhân, lý do việc các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy trình lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN điều chỉnh lớn sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN. Đồng thời, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ công của Việt Nam bằng 37,26% GDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.