(HNMCT) - Tuần trước, ngày thi đấu chính thức thứ 8 trong khuôn khổ SEA Games 30 tại Philippines (8-12) kết thúc bằng “cơn mưa” huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số huy chương mà các vận động viên Việt Nam đã giành được trong ngày này, so với tấm Huy chương Vàng (HCV) ở cự ly 100m của “nữ hoàng” điền kinh Lê Tú Chinh hay HCV kèm kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi 400m hỗn hợp của kình ngư mới 16 tuổi Trần Hưng Nguyên được giới chuyên môn đánh giá rất cao, có lẽ chỉ có ngôi vô địch SEA Games 30 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là tạo hiệu ứng cảm xúc lớn hơn. Ngay sau trận chung kết, hướng về phía những người hùng bóng đá nữ là một “cơn mưa” tiền thưởng và lời khen ngợi.
Không ai bàn về số tiền thưởng mà đội tuyển bóng đá nữ nhận được trong những ngày tới với thái độ ghen tị, đơn giản bởi các nữ tuyển thủ đã vắt cạn sức lực để mang vinh quang về cho Tổ quốc, hoàn toàn xứng đáng nhận sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, nhìn cái cách mà các cầu thủ Việt Nam đã thể hiện qua hai trận đấu với đội tuyển nữ Thái Lan tại giải này, người viết ước gì một phần khoản tiền “khổng lồ” của các Mạnh Thường Quân đến được với đội tuyển từ trước khi giải đấu diễn ra, góp phần giúp các cô gái Việt Nam có điều kiện tập luyện tốt hơn, bồi dưỡng nâng cao thể lực tốt hơn, để họ không quá thua thiệt về sức vóc so với cầu thủ Thái Lan, không phải trải qua những phút giây thi đấu rất chật vật dù nhỉnh hơn đối thủ về kỹ - chiến thuật. Nói khác hơn là hy vọng có nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ cho bóng đá nữ từ khâu đào tạo trẻ, trong quá trình huấn luyện và tập huấn của đội tuyển chứ không chỉ trao những khoản thưởng hậu hĩnh khi các tuyển thủ giành thành tích cao.
Vấn đề nói trên không chỉ liên quan tới bóng đá nữ, mà là câu chuyện chung của nhiều môn thể thao khác cũng như liên quan tới hiệu quả triển khai thực hiện chủ trương về xã hội hóa các hoạt động thể thao. Sự thiếu thốn, nỗi vất vả của các cầu thủ bóng đá nữ cũng có thể nhận ra ở vận động viên nhiều môn khác. Như với SEA Games 30, đã có câu chuyện về chủ nhân HCV điền kinh từng có thời gian làm “xe ôm”, làm phụ bếp ngoài giờ tập để có thêm thu nhập. Đã có chuyện về kế hoạch tập huấn không được như ý, như với đội tuyển bóng chuyền nữ.
Đã có sự thiếu nhất quán trong vấn đề tổ chức tập huấn ở nước ngoài cho vận động viên trọng điểm ở cùng một bộ môn mà nguyên nhân không có gì khác ngoài thiếu kinh phí, đặc biệt là khi cần phải đầu tư nhằm đưa vận động viên ra nước ngoài dài hạn... Đó là chưa kể sự thiếu kinh phí đã cản trở kế hoạch thuê huấn luyện viên nước ngoài vốn là điều cần thiết ở một số bộ môn, khi huấn luyện viên trong nước không đủ khả năng tạo ra bước phát triển mang tính đột phá dù có lực lượng vận động viên tiềm năng. Đó là điều đáng tiếc bởi bài học từ việc thuê huấn luyện viên Park Hang-seo cho thấy hiệu quả có được từ xã hội hóa nguồn lực trong lĩnh vực thể thao lớn đến nhường nào.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể thao là một chủ trương lớn, trong thực tế thì phần việc này đã đạt được thành tựu nhất định, nhưng chưa đủ mức cần. Muốn tạo bước chuyển lớn hơn thì điều cần làm đầu tiên là nâng tầm nhận thức chung về vấn đề này. Vấn đề không chỉ nằm ở nhận thức của phía tài trợ, các Mạnh Thường Quân, mà còn ở phía nhận tài trợ, phân bổ nguồn lực xã hội hóa, và cả ở phía truyền thông. Những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ một cách minh bạch cho các dự án, chương trình, sự kiện thể thao có ích, mang tính bài bản, có tầm nhìn dài hạn cần được các cơ quan truyền thông và xã hội ủng hộ, tôn vinh mà không cần kèm theo đòi hỏi gì ngoài sự tuân thủ quy định của pháp luật.
Trận chung kết môn bóng đá nữ đã cho thấy nhiều điều gây xúc động mạnh. Hình ảnh các cầu thủ Việt Nam tận lực theo từng đường bóng dù có lúc đổ gục trên sân vì cạn sức. Hình ảnh Ban huấn luyện đội tuyển U22 bóng đá nam đến sân biểu lộ tình cảm sát cánh cùng các đồng nghiệp nữ. Hình ảnh các cổ động viên nán lại sân vận động dù trời đã khuya, cùng hát vang Quốc ca Việt Nam trong giờ phút các nữ cầu thủ lên bục nhận huy chương... Đó là tiền đề cho sự nâng tầm nhận thức chung, là cơ sở để các Mạnh Thường Quân tự tin thực hiện những dự án tài trợ dài hạn, đến với thể thao từ đầu thay vì chờ ở đích đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.