(HNNN) - Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, kéo theo nhu cầu năng lượng dự báo tăng trung bình 11%/năm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch, truyền thống dần cạn kiệt, đòi hỏi sự chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, để nguồn năng lượng này phát triển bền vững, được sử dụng rộng rãi trong tương lai, cần nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.
Xu hướng toàn cầu
Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu thế toàn cầu. Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, việc tìm các nguồn năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch, năng lượng truyền thống cũng đang được thực hiện tích cực. Đó là việc triển khai các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió quy mô lớn đấu nối, bổ sung cho mạng lưới điện quốc gia. Các cơ sở kinh doanh, các hộ dân được khuyến khích lắp đặt thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời, điện gió nếu đủ điều kiện. Không khó nhận thấy, rất nhiều hộ dân ở Hà Nội đã sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt... Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã liên kết với các doanh nghiệp khác hỗ trợ các hộ dân lắp đặt hệ thống điện áp mái.
Đối với các phương tiện vận tải, hiện đang có bước chuyển tích cực từ sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng động cơ điện. Số lượng xe máy, xe đạp điện được người dân Hà Nội mua, sử dụng trong khoảng 10 năm qua đã tăng nhanh. Đặc biệt, sự xuất hiện của các sản phẩm xe máy, ô tô điện do Vinfast sản xuất như một cú hích, tác động tới nhận thức của người dân về loại phương tiện thân thiện với môi trường này.
Về các phương tiện vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội, Công ty TNHH Du lịch, Dịch vụ xây dựng Bảo Yến đã tiên phong trong việc chuyển sang khai thác phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (khí hóa lỏng CNG) cho các tuyến xe buýt. Xe buýt sử dụng CNG được đánh giá giúp tiết kiệm khoảng 30% nhiêu liệu; giảm 20% lượng khí thải cacbonnic, 30% nitơ ôxit và 70% sunfua ôxit so với xe chạy bằng dầu diesel.
Đáng kể là từ tháng 12-2021, Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái Vinbus (Tập đoàn Vingroup) đã khai trương tuyến buýt điện đầu tiên tại Việt Nam, mang số hiệu E03 Khu đô thị Ocean Park (Gia Lâm) - Bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm). Loại xe sử dụng trên tuyến do Vinfast sản xuất sở hữu dung lượng pin lên tới 281kWh, có tầm hoạt động 220 - 260km trong một lần sạc và rất thân thiện với môi trường. Từ đó đến nay, số tuyến xe buýt điện tại Hà Nội đã tăng lên 10 tuyến. Loại hình vận tải này còn được mở rộng không gian hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cần chính sách thúc đẩy đa dạng nguồn cung, phát triển ổn định
Theo tính toán kịch bản phụ tải cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 9% vào năm 2022. Kịch bản tăng trưởng phụ tải cao đến 11,5% hằng năm cũng có thể xảy ra nếu kinh tế phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trước đại dịch Covid-19. Ngay cả với kịch bản phụ tải cơ sở, tính toán cân đối cung - cầu điện toàn quốc của EVN cho thấy, việc bảo đảm cung ứng điện mùa hè năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng sản lượng điện cả năm sẽ không thiếu, nhưng công suất sẽ thiếu hụt tại một số thời điểm, đặc biệt là ở miền Bắc.
Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 8,9%/năm, tương đương nhu cầu cung cấp điện phải tăng từ 23,6 - 30,5 tỷ kWh/năm mới đáp ứng được nhu cầu điện. Dẫu vậy, sản lượng các nguồn mới bổ sung chỉ đạt khoảng 6,1 - 16,7 tỷ kWh/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu.
Phát triển năng lượng tái tạo được cho là giải pháp nhanh chóng và thích hợp nhất để giải quyết vấn đề thiếu điện. Bởi vậy, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đặt mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) có tỷ trọng đạt 24% năm 2020; 24 - 27% năm 2030 và 38 - 42% năm 2045 tùy theo kịch bản phụ tải. Tuy nhiên, trong khi quy hoạch còn đang chờ phê duyệt thì đã nổi lên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, với hàng nghìn MW, nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.
Tình trạng phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh, quá nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia dẫn đến một số vấn đề bất cập. Thông tin về điều này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, ngành Điện đang phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất, công suất nguồn điện Việt Nam dù đứng đầu ASEAN nhưng khi thời tiết biến động, 17.000MW điện mặt trời không phát huy được, lượng điện gió huy động được rất khiêm tốn. Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo. Các loại hình này có những đặc tính về mùa, vùng miền và tác động của thời tiết..., không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát. Ví dụ như nguồn điện mặt trời chỉ đạt hiệu quả phát điện tối ưu vào buổi trưa. Với điện gió, công suất lắp đặt là 3.980MW, trong đó 92% được đưa vào vận hành cuối tháng 10-2021. Theo biểu đồ phát của điện gió, cao điểm thu điện vào tháng 12, 1 và 2; còn thấp điểm là tháng 4, 5 và 6. Công suất phát điện gió không chỉ biến động theo mùa mà hằng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, khả năng phát từ nguồn điện gió trên toàn quốc trong tháng 4 và 5-2022 vẫn chỉ đạt mức thấp so với tổng công suất lắp đặt. Số liệu thống kê cho thấy, không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000MW (tức là 50% so với tổng công suất điện gió đã được công nhận vận hành thương mại) trong tháng 4 - 5 vừa qua. Chỉ có tổng cộng 7 ngày trong tháng 4 và duy nhất 1 ngày trong tháng 5, tổng công suất điện gió toàn quốc phát được cao hơn mức 2.000MW. Thậm chí, tình trạng tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống thấp còn dưới 1.000MW vẫn diễn ra phổ biến trong tháng 4 và 5-2022... Bởi vậy, ông Lâm cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong bảo đảm cung ứng điện quốc gia.
Theo ông Vũ Đức Quang, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2), năng lượng tái tạo là xu hướng tốt, bền vững. Việc phát triển năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng vốn có thì Việt Nam cần có chính sách mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có nhiều cơ sở để phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh thêm về điều này, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: “Nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu thụ điện và các cam kết về giảm thải khí nhà kính, Việt Nam đã đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 7.000MW vào năm 2030. Đến năm 2045 thì cả điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt 60.000MW.
“Để đạt được mục tiêu này thì phải có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, có những ưu đãi về đất đai, giá điện... Tuy nhiên, khi các nguồn điện này đã phát triển thì phải có cách lựa chọn các nhà đầu tư theo hướng phù hợp hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu. Đây sẽ là phương thức áp dụng không chỉ cho nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mà còn áp dụng cho tất cả các loại hình năng lượng tái tạo khác trong tương lai” - ông Dũng cho biết.
Ở góc độ khác, theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), ngoài bảo đảm nguồn cung, cải thiện chính sách thì giải pháp bền vững hơn cả là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. “Nếu mỗi địa phương tiết kiệm năng lượng đạt mức 2% thì Việt Nam sẽ giảm hàng tỷ kWh mỗi năm, điều này mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế” - ông Vũ nói.
Cùng với đó là giải pháp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ, thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đơn vị sử dụng năng lượng, thúc đẩy mô hình phát triển thị trường năng lượng. Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường, cũng cần đầu tư hệ thống trạm nạp nhiên liệu sạch, trụ sạc điện đáp ứng nhu cầu trên các cung đường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.