(HNMO) – Sau Đông Á và Bắc Mỹ, các quốc gia ở khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe (LAC) đang trên đà trở thành “điểm nóng” về năng lượng mặt trời trong thập kỷ tới.
Theo dữ liệu từ Global Energy Monitor (GEM), tính đến tháng 1-2023, công suất khai thác năng lượng mặt trời tại LAC cao gấp bốn lần so với châu Âu và gần bảy lần so với Ấn Độ - quốc gia sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ ba thế giới.
Hiện tại, năng lượng mặt trời chỉ tạo ra từ 3 đến 4% sản lượng điện của LAC. Nhưng với gần 250 dự án đạt công suất 19.429 megawatt, tiềm năng cung cấp điện mặt trời tại khu vực này dự kiến sẽ tăng ít nhất 70%.
Bên cạnh kế hoạch mở rộng khai thác năng lượng gió, sự gia tăng chung về sản lượng năng lượng mặt trời sẽ đẩy mạnh nguồn cung năng lượng sạch của LAC. Điều này có thể giúp ngành công nghiệp điện làm chậm quá trình phát thải vốn đã tăng hơn 25% kể từ năm 2010.
Brazil, Mexico, Colombia, Chile và Peru đứng đằng sau những nỗ lực thúc đẩy năng lượng mặt trời khi chiếm hơn 88% sản lượng hiện tại và khoảng 97% sản lượng bổ sung theo kế hoạch đang được tiến hành.
Việc đẩy mạnh khai thác năng lượng mặt trời tại năm quốc gia có nền kinh tế và công nghiệp lớn nhất LAC có thể giúp giảm tình trạng ô nhiễm trong khu vực và đóng góp vào nỗ lực hạn chế lượng khí thải CO2 trên toàn cầu trước năm 2050.
Nghiên cứu do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ đánh giá cao một số quốc gia LAC về tiềm năng kinh tế điện mặt trời thông qua chi phí điện quy dẫn. Loại phí này được tính toán dựa trên kết quả của chi phí xây dựng và vận hành một nhà máy năng lượng mặt trời chia cho lượng điện sản xuất.
Brazil, quốc gia sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu Mỹ Latinh có tiềm năng kinh tế trung bình 0,12 USD/kWh, trong khi Chile ở mức 0,07 USD/kWh. Mexico, Peru và Colombia cùng có điểm tiềm năng kinh tế trung bình tương đương, thậm chí cao hơn Mỹ (0,1USD/kWh)
Những thông tin kể trên cho thấy, các quốc gia LAC có tiềm năng hấp dẫn về năng lượng mặt trời và khả năng hoàn vốn đầy cạnh tranh trong những dự án lớn. Khu vực này sẽ tiếp tục trên đà trở thành “điểm nóng” của năng lượng sạch toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.