Thế giới

Châu Phi kêu gọi quốc tế giảm nợ để đầu tư vào năng lượng sạch

Theo TTXVN 08/09/2023 - 07:33

Ngày 6-9 (giờ địa phương), Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu châu Phi tại Kenya đã ra Tuyên bố chung, trong đó nêu bật yêu cầu thay đổi toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu và hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Tuyên bố chung Nairobi có đoạn nêu rõ châu Phi có những tiềm năng và tham vọng trở thành một phần quan trọng trong giải pháp toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Dù vậy, để giải phóng tiềm năng tăng trưởng xanh trên toàn châu lục ở mức độ có thể tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho quá trình phi carbon hóa nền kinh tế toàn cầu, cần phải mở rộng hoạt động cấp vốn quy mô lớn.

Các nước châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm gánh nặng nợ cho các nước này và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để mở đường cho hoạt động đầu tư vào năng lượng sạch.

Theo Tuyên bố chung, châu Phi chỉ thu hút được 2% tổng số vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập niên qua. Châu lục này cần số vốn gấp 10 lần mức hiện tại để đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 7 năm tới, khoảng 600 tỷ USD, qua đó đạt mục tiêu nâng sản lượng năng lượng tái tạo từ 56GW trong năm 2022 lên tối thiểu 300GW vào năm 2030.

Tổng thống Kenya William Ruto, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu châu Phi cho biết, tổng số vốn các nước cam kết hỗ trợ cho châu lục tại hội nghị là 23 tỷ USD. Trong đó, riêng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ USD để thúc đẩy châu Phi chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tổng thống Ruto nhấn mạnh, châu Phi có lợi thế trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh nhờ dân số trẻ, tiềm năng các nguồn tài nguyên tái tạo và thiên nhiên dồi dào, trong đó có thể kể đến việc tập trung phần lớn trữ lượng cobalt, mangan và platinum của thế giới, vốn rất cần thiết cho pin điện và pin nhiên liệu hydrogen.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hối thúc các nước phát triển, vốn là những nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, tôn trọng các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc cung cấp 100 tỷ USD/năm cho năng lượng sạch và hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giới phân tích cho rằng việc các nước châu Phi có được tiếng nói đoàn kết sẽ tạo động lực cho nhiều hội nghị quốc tế quan trọng sắp tới, trong đó có Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Ấn Độ trong cuối tuần này, hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại UAE vào tháng 11-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Châu Phi kêu gọi quốc tế giảm nợ để đầu tư vào năng lượng sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.