Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng các vùng cây ăn quả

Bạch Thanh| 13/02/2023 06:23

(HNM) - Hà Nội hiện có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình đã khẳng định được hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; một số mô hình được đầu tư lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật... cho thu nhập 500-700 triệu đồng/ha/năm. Để tiếp tục phát triển các vùng cây ăn quả, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ được coi là giải pháp hàng đầu.

Mô hình trồng nhãn chín muộn ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả kinh tế tăng 16-40%

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cho 5ha bưởi Diễn sản xuất theo mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Có 5 hộ gia đình được lựa chọn tham gia mô hình, trong đó, hộ có diện tích trồng lớn nhất là hơn 10.000m², với 400 gốc bưởi... Toàn bộ diện tích bưởi Diễn tham gia mô hình được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai giám sát và hướng dẫn quy trình chăm sóc. Các hộ dân cam kết thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất và được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Tổng kinh phí được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ là hơn 303 triệu đồng.

Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê, cây bưởi sản xuất theo mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả đều, vỏ bóng đẹp, năng suất, chất lượng cao hơn so với diện tích bưởi Diễn trồng theo phương pháp truyền thống. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bưởi Diễn khó tiêu thụ nhưng bưởi trồng theo quy trình VietGAP vẫn hút khách, giá bán ra thị trường cao hơn giá bưởi trồng theo phương pháp cũ khoảng 3.000 đồng/quả.

Với quy mô 3ha trồng cam, hộ gia đình ông Chu Tiến Được, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cũng được ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng mô hình cây ăn quả VietGAP. Đến nay, sau 2 năm, mô hình đã khẳng định được giá trị của cây ăn quả chất lượng cao. Ông Chu Tiến Được chia sẻ: Trước đây năng suất quả loại 1 chỉ đạt 50%, sau khi áp dụng theo quy trình VietGAP năng suất quả loại 1 đã đạt 80%, giá bán cũng cao hơn từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg.

Để nâng cao chất lượng cây ăn quả, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ mang lại hiệu quả. Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà cho biết: Tính riêng năm 2022, mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao quy mô 12ha (có chứng nhận) đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hiệu quả kinh tế cao hơn 16-40% so với phương pháp truyền thống.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, năm 2022, đơn vị đã ban hành 9 kế hoạch đào tạo, tập huấn, tham quan học tập trồng mới cây ăn quả, thâm canh bưởi hữu cơ, bưởi GlobalGAP, bưởi VietGAP, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng cây ăn quả… Đơn vị cũng đã triển khai nhiều hoạt động như: Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất bưởi hữu cơ quy mô 3ha; xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGAP; ứng dụng công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô hàng trăm héc ta.

Mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Thành

Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân

Có một thực tế là, việc đầu tư phát triển vùng cây ăn quả vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, so với tiềm năng hiện có, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế; các địa phương thiếu nguồn nhân lực để hỗ trợ quá trình sản xuất...

Bàn giải pháp mở rộng các vùng cây ăn quả chất lượng cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Diện tích bưởi, chuối, cam, ổi… của huyện Gia Lâm đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP đạt khoảng hơn 200ha, tại các xã Cổ Bi, Kiêu Kỵ, Kim Sơn, Phú Thị… Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vùng trồng, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Cùng với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng các vùng cây ăn quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.