Cơ chế “công chức suốt đời” từng thể hiện tính ưu việt, bởi nó giúp cho cơ quan quản lý nhà nước tính toán tổng thể nhu cầu nguồn nhân lực quốc gia.
Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, đất nước bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, đòi hỏi Đảng phải mau chóng lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời có lực lượng kháng chiến và lực lượng lao động sản xuất ra của cải vật chất phục vụ tiền phương, xây dựng hậu phương, kiến tạo chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Theo đó, Đảng yêu cầu phải giáo dục, đào tạo lớp người mới “vừa hồng vừa chuyên”.
Trong 7 thập kỷ đã qua, với tầm nhìn chiến lược của Đảng về coi trọng đội ngũ cán bộ trung thành với chế độ, nước ta đã có hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo căn bản, qua các môi trường từ các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đến sau khi hết cấm vận, lại cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở các nước tư bản, cùng với đó là hệ thống đào tạo đại học, sau đại học trong nước cũng ngày một mở rộng, nâng cao. Nhờ vậy mà các thế hệ trí thức, công chức nước nhà từng bước đảm đương nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp tục có cơ hội học tập, đào tạo, nghiên cứu, làm việc ở các nước, trở thành nhịp cầu nối cho Việt Nam hội nhập với thế giới; trong đó phải kể đến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự đổi mới, sáng tạo toàn cầu. Kinh nghiệm từ các nước có nền quản trị nhân lực tiên tiến, hiện đại là không theo lối tư duy “biên chế suốt đời”, chính vì thế mà họ mau chóng thu hút được nhiều người có năng lực tham gia vào đảm đương nền hành chính quốc gia, nhất là hình thành được đội ngũ công chức chuyên nghiệp, thích ứng với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, ứng phó với những biến đổi xã hội, biến đổi môi trường sống.
Hưởng ứng tư duy bỏ “biên chế suốt đời”, không có nghĩa là bài xích, phủ nhận sạch trơn những điểm ưu việt trong gần 80 năm nước ta xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Ngay khi mới giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu Chính phủ cách mạng đã biết “chiêu hiền đãi sĩ” bằng khích lệ lòng yêu nước, sự cống hiến của trí thức chế độ cũ cho nền dân chủ nhân dân. Những người tự giác, tự nguyện tham gia vào hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân dù tuổi cao, chức trọng ở chế độ cũ, song đều tận tụy với nước với dân.
Điển hình như tấm gương cụ Huỳnh Thúc Kháng, cống hiến cho tới lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có cả triệu cán bộ, công chức, viên chức hăng hái tham gia hệ thống chính trị trong môi trường vừa thời chiến vừa thời bình. Nước nhà thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với đồng lương ít ỏi, được thụ hưởng chế độ tem phiếu - phân bổ theo định mức rất “khiêm tốn”, song họ vẫn là rường cột duy trì hoạt động bộ máy công quyền, gắn bó với người dân, phụng sự người dân, trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Công chức là một tầng lớp xã hội được sinh ra từ cơ chế bao cấp, họ xuất phát từ nông dân, công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, trí thức, văn nghệ sĩ, lực lượng vũ trang. Họ là chứng nhân lịch sử một thời được xem xét hồ sơ lý lịch cẩn trọng, chặt chẽ, được cử đi đào tạo nghề có tính kế hoạch, được bố trí công việc khi ra trường cũng có tính kế hoạch, được hưởng chế độ, chính sách “tốt hơn” người lao động trực tiếp nơi công xưởng, đồng ruộng. Đã có nhiều thế hệ công chức thời bao cấp hoàn thành nhiệm vụ, được hưởng chế độ hưu trí.
Ngày nay, còn hàng triệu người tiếp tục được thụ hưởng chính sách hưu trí, an sinh xã hội, nhất là một bộ phận dôi dư do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình 2 cấp, nhiều cán bộ, công chức tình nguyện về hưu sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đại cách mạng của Đảng tiến hành hanh thông. Những người đã nghỉ hoặc sắp nghỉ đều đồng tình ủng hộ chủ trương bỏ “biên chế suốt đời”, dư luận xã hội cũng thể hiện sự đồng thuận rộng rãi.
Từng có ý kiến phát biểu rằng, trong hệ thống chính trị nước ta hiện thời, có khoảng 30% “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Đó thực sự là điều đáng buồn, song không phải là nói quá. Tới đây, nếu có cơ chế khắc phục, từ bỏ tình trạng đáng buồn như vậy thì chắc chắn sẽ tạo bước đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quản lý nhân lực trong phát triển xã hội, trong thời đại số hóa, trí tuệ nhân tạo cần sàng lọc đội ngũ công chức có tâm vì nước vì dân, có năng lực tham mưu, có kỹ năng quản lý hiện đại. Do xu thế toàn cầu hóa, do sự nhảy vọt biến đổi khoa học, công nghệ, do sự tương tác xã hội ngày càng sâu rộng, nên đội ngũ công chức trong kỷ nguyên mới phải không ngừng thích ứng, nếu cứ an phận thủ thường với chức sắc và thang bậc do thời gian công tác mà được bổ nhiệm, được xét thăng hạng vào chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp... như thế sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu của công chức, khó có thể bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền.
Lênin từng chỉ ra rằng, cái gì ưu điểm mà để kéo dài quá mức thì sẽ làm cản trở cái mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, người cộng sản ngày hôm qua được tôn vinh trong lòng dân chúng, nhưng nếu ngày mai lòng dạ không trong sáng thì cũng sẽ không được dân chúng tôn vinh. Từ sự soi tỏ nêu trên, đã đến lúc nước ta phải mạnh bạo từ bỏ cơ chế “biên chế suốt đời”, tạo môi trường thông thoáng, mở đường lớn, đón nhận những người có tâm, có tài, biết nhìn xa trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, xứng tầm đội ngũ công bộc của dân, của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển bền vững, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.