Nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội:Quy hoạch vùng gắn với nông nghiệp xanh

Đỗ Minh 05/07/2025 06:47

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội vẫn giữ được những “vùng xanh” bền vững nhờ định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch sinh thái.

Từ rau hữu cơ, hoa công nghệ cao đến thủy sản tuần hoàn..., thành phố đang từng bước kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 chính là "chìa khóa" để Hà Nội mở ra không gian xanh cho phát triển...

rau.jpg
Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (xã Bát Tràng). Ảnh: Nguyễn Quang

Những điểm xanh trong nông nghiệp

Từ nhiều năm nay, thành phố đã triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng “xanh - hiệu quả - bền vững”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, việc quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp không đơn thuần là sắp xếp lại đất canh tác mà là chiến lược bảo vệ tài nguyên đất, nước, sinh cảnh, hạn chế phát thải, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...

Thực tế, những năm qua, tái cơ cấu nông nghiệp tại Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Trồng trọt chuyển mình theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, với diện tích rau hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt hơn 523ha. Năng suất trung bình 50 tấn/ha/năm, cao hơn 15-20% so với phương thức sản xuất thông thường.

Đặc biệt, Hà Nội phát triển 908ha rau ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhà màng, tưới nhỏ giọt tiết kiệm, giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chăn nuôi bắt đầu theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải, cùng hệ thống chuồng nuôi khép kín, dây chuyền thức ăn tự động, kết hợp biện pháp sinh học trong xử lý môi trường, từng bước bảo vệ vùng chăn nuôi khỏi rủi ro dịch bệnh và khí thải nhà kính.

Với 95% trang trại lợn quy mô lớn sử dụng hầm biogas, 65% cơ sở chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải…, các mô hình này của Hà Nội không chỉ đáp ứng tiêu chí kỹ thuật mà còn phù hợp với vùng ven đô đô thị hóa nhanh.

Đặc biệt, Hà Nội đang định hình mô hình nông nghiệp đô thị, phát triển trang trại công nghệ cao và mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm vùng ven đô. Đây là một phần của chiến lược chuyển đổi “đất nông nghiệp vùng đô thị hóa” thành không gian nông nghiệp sinh thái thông minh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đô thị, nâng cao thu nhập cho người dân...

Kiến tạo nông nghiệp bền vững

Tại Hà Nội, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên gắn với bảo tồn sinh thái. Các mô hình như vậy nhận được sự hưởng ứng, tham gia của ngày càng nhiều hộ dân trong mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường liên kết hình thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Với định hướng đó, nông nghiệp đang tạo ra những hành lang xanh cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Trên cơ sở Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28-6-2024; Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, Thủ đô tái thiết lập hệ thống không gian sinh thái với nông nghiệp giữ vai trò hạ tầng xanh, vừa là vành đai thực phẩm, vừa là vùng đệm sinh thái...

Có thể khẳng định, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội gắn với quy hoạch vùng sản xuất xanh và chiến lược đô thị sinh thái là con đường tất yếu để Thủ đô vừa phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa duy trì cảnh quan sinh thái, nâng cao chất lượng sống và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong đó, giai đoạn 2030-2045, thành phố đặt mục tiêu trở thành đô thị xanh toàn diện, với nông nghiệp sinh thái đóng vai trò xương sống cho hệ sinh thái đô thị - kết nối đất đai, con người và thiên nhiên một cách bền vững...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thành phố sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất trên tất cả lĩnh vực. Trong trồng trọt, sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thành sản phẩm chất lượng cao; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng phù hợp hơn để nâng cao giá trị kinh tế; chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ phù hợp tính chất, đặc điểm đất đai khu vực ven đô...

Đối với chăn nuôi, thành phố tiếp tục phát triển vùng trọng điểm theo định hướng; rà soát việc hình thành vùng chăn nuôi gia súc lớn tập trung tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại một số vùng theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố, Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về thủy sản, thành phố phát triển theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, giám sát môi trường và an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi... Song hành với đó, Hà Nội sẽ đưa sản xuất xanh, sạch, bền vững vào các chương trình đào tạo, chú trọng gắn lý thuyết với thực tiễn tại địa phương..., giúp nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề cho người nông dân...

Bí thư Đảng ủy xã Tam Hưng Bùi Văn Sáng:
Sản xuất gắn với thế mạnh vùng

o-sang.jpg

Sau khi được thành lập, xã Tam Hưng không chỉ là đơn vị hành chính mở rộng về quy mô dân số, diện tích mà còn có tiềm năng lớn phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn.

Là địa bàn có truyền thống sản xuất nông nghiệp, xã Tam Hưng hội đủ điều kiện để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù (rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản...).

Trên cơ sở đó, chính quyền xã định hướng quy hoạch lại không gian nông nghiệp theo hướng tập trung, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Xã sẽ chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng bản đồ sản xuất gắn với thế mạnh vùng.

Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang triển khai, chính quyền xã Tam Hưng chủ động hơn trong quản lý đất đai, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tăng cường hiệu lực quản trị, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch và thực tiễn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh - sạch - hiện đại.

Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Lê Tuấn Dũng:
Nông nghiệp xanh kết hợp dịch vụ

o-dung.jpg

Trước đây, Hồng Vân là một vùng có thế mạnh, được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Đặc biệt, Hồng Vân hình thành các tuyến đường hoa, cây xanh gắn với mô hình nông nghiệp trải nghiệm. Đây chính là nền tảng cho phát triển các mô hình nông nghiệp xanh kết hợp dịch vụ, phù hợp với thị hiếu người dân đô thị và xu hướng du lịch nông nghiệp hiện đại.

Chính quyền xã Hồng Vân xác định nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất mà còn là yếu tố tạo cảnh quan, giữ bản sắc và là "nền móng sinh thái" cho phát triển du lịch - dịch vụ - văn hóa. Quy hoạch phát triển sẽ tập trung vào 3 trụ cột: Tái cơ cấu vùng canh tác theo hướng hữu cơ - tuần hoàn; phát triển các điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm; xây dựng chuỗi giá trị nông sản gắn với thương hiệu địa phương.

Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ quỹ đất nông nghiệp hiện có, tập trung quy hoạch vùng sản xuất rau hữu cơ, cây ăn quả bản địa, hoa - cây cảnh chất lượng cao phục vụ du lịch và tiêu dùng nội đô...

Trưởng phòng Kinh tế xã Đông Anh Nguyễn Kim Nhật:
Hình thành vùng nông nghiệp sinh thái

o-nhat.jpg

Chúng tôi xác định rõ, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của xã không thể tách rời quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô và càng không thể duy trì mô hình sản xuất nhỏ lẻ, phân tán như trước kia.

Phòng Kinh tế tham mưu UBND xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, thủy sản, nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm… phù hợp điều kiện từng xã và định hướng phát triển xanh.

Hiện, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động, tạo điều kiện trong phân cấp quản lý, trao quyền chủ động cho địa phương lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp thế mạnh từng vùng.

Chúng tôi chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cán bộ xã về quy hoạch nông nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp đô thị, kỹ thuật sản xuất hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị...

Định hướng của xã Đông Anh là từng bước hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm, dịch vụ nông nghiệp đô thị, góp phần tạo không gian sống xanh cho Thủ đô và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đỗ Phong ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội: Quy hoạch vùng gắn với nông nghiệp xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.