Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội

Linh Nhi thực hiện| 17/12/2012 06:14

(HNM) - Khoản 2, điều 4 của Luật Thủ đô nêu rõ, MTTQ và các tổ chức thành viên, mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Trao đổi với Báo Hànộimới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đào Văn Bình cho biết:



Luật Thủ đô ra đời góp phần quan trọng vào việc xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại và phát triển. Ảnh: Xuân Chính

- Luật Thủ đô là "công cụ" quan trọng để xây dựng một Hà Nội văn minh, văn hiến, giàu đẹp và hòa bình, là biểu tượng cho phẩm chất và văn hóa Việt Nam. Luật sẽ mở ra hướng mới cho nhiều chính sách, bao gồm hàng loạt vấn đề ở nhiều lĩnh vực như: Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục, đào tạo; quản lý đất đai…

- Với những quy định mang tính đặc thù, Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, phát triển. Tuy nhiên, làm thế nào để luật sớm đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thì vai trò của MTTQ là rất quan trọng. Xin ông cho biết, Ủy ban MTTQ TP và các tổ chức thành viên xác định phương hướng, nhiệm vụ, những bước đi sẽ thực hiện như thế nào?


- Với chức năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật và giám sát các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể ở TP thực hiện, MTTQ TP sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, triển khai từng bước đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.

Trước tiên, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để nhân dân nắm vững các nội dung của luật, hiểu luật và qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời vận động nhân dân chấp hành đầy đủ, hiệu quả các quy định của luật. Nội dung tuyên truyền, xoay quanh những lĩnh vực được quy định tại các điều khoản trong luật. Cụ thể như trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Thủ đô; những chính sách xây dựng, phát triển Thủ đô nói chung về quy hoạch, bảo tồn và phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, nhà ở và các hạ tầng khác ở Thủ đô. Từ đó, vận động nhân dân thực hiện và giám sát các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành cùng chấp hành.

- Ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, khâu đột phá mà Hà Nội sẽ lựa chọn là lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. MTTQ TP xác định làm gì để cùng với Đảng bộ, chính quyền TP thực hiện mục tiêu này?

- Hiện nay, Hà Nội của chúng ta vẫn tồn tại khá phổ biến tình trạng vi phạm trật tự, kỷ cương xã hội, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa... Nhiều người dân chưa có ý thức đầy đủ về việc chấp hành quy định của pháp luật, làm xấu đi hình ảnh Thủ đô. Việc này một phần có lỗi từ xử phạt chưa nghiêm, mức phạt chưa đủ sức răn đe; việc tuyên truyền vận động người dân tự giác thực hiện hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu gương mẫu nhưng chưa được xử lý thỏa đáng để làm gương... Nay, Luật Thủ đô đã có hướng "mở" cho việc giải quyết các trường hợp này, đó là tăng mức xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng lên gấp đôi, để có tính răn đe cao hơn. Đây rõ ràng là một "công cụ" hữu hiệu. Song, tôi thấy rằng, giải pháp lâu dài vẫn phải là công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân Thủ đô và giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật. Đó là trách nhiệm của MTTQ TP và các tổ chức thành viên. Tôi cũng đồng ý đây là "khâu đột phá" để thực hiện luật.

- Vậy "khâu đột phá" của MTTQ TP sẽ được triển khai cụ thể như thế nào?

- Về văn hóa, MTTQ TP tăng cường và quyết tâm thực hiện tốt hơn các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; "Xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Đề nghị các cấp chính quyền rà soát, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa", "Làng, khu phố văn hóa", hoàn thiện các hương ước, quy ước ở cơ sở để phù hợp với Luật Thủ đô. Trên tinh thần đó, MTTQ TP tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện, kết hợp với giải pháp động viên, bình xét thi đua hằng năm. Đặc biệt, chú ý tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" trong thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ.

Đối với lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, MTTQ TP sẽ sử dụng tối đa vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng trên địa bàn. Phát huy vai trò của thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, giám sát việc chấp hành xây dựng của các tổ chức, cá nhân, việc thực hiện thông thoáng lòng đường, vỉa hè, bảo đảm xây dựng đúng quy hoạch, an toàn giao thông theo tinh thần "đeo bám" đến cùng việc xử lý vi phạm của cơ quan thẩm quyền, chức năng. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm "kép" - tức là vi phạm của tập thể, cá nhân về vấn đề đất đai, xây dựng và vi phạm của người có trách nhiệm, cơ quan thẩm quyền, MTTQ TP sẽ đề nghị xử lý và giám sát, tái giám sát để xử lý vi phạm triệt để. Đồng thời, tiếp tục vận động các hộ gia đình ký cam kết thực hiện tốt các quy định về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.