(HNM) - Khắc phục tình trạng ít thảo luận, vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri; đồng thời nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu dân cử là nhiệm vụ đặt ra với HĐND các cấp TP Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.
Những hạn chế
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2011-2016 được đánh giá có nhiều dấu ấn đổi mới, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Song vẫn còn hạn chế, trong đó đáng lưu ý là, một số đại biểu chưa hoặc ít phát biểu thảo luận, chất vấn; ý kiến phát biểu chưa tập trung vào nội dung cần bàn; nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp của cơ quan chức năng còn trùng lặp, có lúc né tránh, không trực tiếp giải trình về những vấn đề cử tri quan tâm, đổ lỗi cho lý do khách quan. Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố rất tích cực giám sát, tái giám sát, song việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, chất vấn trong một số lĩnh vực chưa chuyển biến như, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước sạch nông thôn, công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ nhà biệt thự, nhà chung cư, tái định cư…
Chất lượng nhà tái định cư là vấn đề được HĐND thành phố giám sát, tái giám sát nhiều lần trong nhiệm kỳ qua. Ảnh: Nhật Nam |
Không chỉ vậy, từ thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã còn cho thấy, một số đại biểu kiêm nhiệm hay vắng mặt trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp xã còn nhiều hạn chế, ở một số nơi mang tính hình thức. Một số kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan chức năng tiếp thu nghiêm túc và giải quyết có hiệu quả. Việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa quyết liệt, thiếu chế tài xử lý, giảm hiệu lực giám sát. Tại huyện Chương Mỹ, theo Chủ tịch HĐND huyện Tạ Quang Được, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã ít, có nơi chỉ thực hiện được 1 đến 2 cuộc/năm. Có tổ đại biểu HĐND chưa coi trọng hoạt động tiếp xúc cử tri, sau tiếp xúc không tổng hợp, phân loại chuyển ngay đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Còn tại Phú Xuyên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phạm Hải Hoa cũng cho rằng, phương thức, nội dung giám sát chưa đổi mới toàn diện; năng lực giám sát của một số đại biểu còn hạn chế, ngại va chạm; khả năng phát hiện vấn đề trong giám sát còn ít…
…và giải pháp
Quan tâm đến hoạt động của HĐND các cấp, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án 04 về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, tăng số đại biểu chuyên trách, nhưng so với thực tiễn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, ở kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận, xây dựng 9 giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, đề nghị các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm, tăng số lượng lãnh đạo, trưởng các ban HĐND hoạt động chuyên trách tham gia cấp ủy, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, thường trực, các ban HĐND và đại biểu HĐND cần giữ vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND. Trong đó, thường trực HĐND các cấp cần phát huy tốt vai trò trong điều hòa, phối hợp trong hoạt động thẩm tra, giám sát. Các ban HĐND nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, chủ động rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật giúp cho đại biểu có thêm thông tin, định hướng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định. Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, để khắc phục hạn chế trong hoạt động đòi hỏi các đại biểu HĐND tăng cường đi thực tế tại các địa phương, cơ sở, theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND, việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cùng với đó, đại biểu cần chủ động nghiên cứu tài liệu, văn bản trình tại các kỳ họp HĐND để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng; tích cực tham gia các hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định. Thêm nữa, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách. Do vậy, HĐND các cấp cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử ở địa phương.
Qua hoạt động cho thấy, vai trò giám sát của HĐND rất quan trọng và cần tập trung vào lĩnh vực cử tri đang quan tâm, thực hiện đến cùng, giám sát triệt để. Sau giám sát cần theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị của các cơ quan, chức năng, tránh để xảy ra tình trạng các kiến nghị sau giám sát không được thực hiện. Bên cạnh đó, HĐND các cấp cũng hoàn thiện quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thư, chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền, giải quyết triệt để theo quy định, tránh để người dân phải khiếu kiện nhiều lần, vượt cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.