Chính trị

Chuyển biến tích cực sau phiên chất vấn của đại biểu dân cử Thủ đô

Việt Tuấn 03/07/2023 - 07:31

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI (diễn ra tháng 12-2022) tập trung vào 3 nhóm vấn đề về cam kết thúc đẩy một số dự án đầu tư, công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và vấn đề thoát nước trên địa bàn thành phố.

ban-do-thi-hdnd-thanh-pho-h.jpg
Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát điểm trung chuyển rác thải tại huyện Phú Xuyên.

Đến thời điểm này, nhiều nội dung được UBND thành phố Hà Nội và các địa phương của Thủ đô triển khai các giải pháp quyết liệt giải quyết, tạo những chuyển biến rõ nét sau chất vấn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực đầu tư

Chuyển biến dễ nhận thấy sau chất vấn đó là, thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực đầu tư. Theo tổng hợp của UBND thành phố Hà Nội, đối với lĩnh vực đầu tư công, thành phố đã đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 60 dự án đầu tư công cấp thành phố; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư 221 dự án đầu tư công năm 2023.

UBND thành phố đã đề nghị các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đối với 135 dự án cấp thành phố đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; các đơn vị thẩm định dự án hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án bảo đảm điều kiện để được bố trí vốn hằng năm.

Kết quả thực hiện lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn thành phố đến ngày 31-5-2023 là 11.643,1 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch, trong đó, ngân sách cấp thành phố 6.251,4 tỷ đồng, đạt 23,9% kế hoạch; ngân sách cấp huyện 5.391,7 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch.

Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai được Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, UBND thành phố đã phân công các sở đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo và đề xuất UBND thành phố chấm dứt hoạt động, dừng thực hiện đối với 10 dự án. Đến nay, 4 dự án: Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh, Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh, Khu đô thị mới Việt Á tại huyện Mê Linh đã được chấm dứt, dừng thực hiện theo các quyết định của UBND thành phố.

Thực hiện ý kiến của HĐND thành phố trong nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực đầu tư, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, UBND thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực đầu tư. Thành phố đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau... Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của 22/110 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

Rà soát 485 hồ nước tham gia điều hòa thoát nước

Thực hiện kiến nghị chất vấn về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải đô thị, Sở Xây dựng đã đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, báo cáo công tác triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư trên địa bàn thành phố; đồng thời thống kê các hồ nước hiện có, kể cả

các hồ trong công viên, khu đô thị mới để tổng hợp, xây dựng phương án khai thác, điều hòa phục vụ thoát nước đô thị. Theo đó, thành phố có 485 hồ nước có chức năng tham gia điều hòa thoát nước, các đơn vị đang nghiên cứu lập phương án cải tạo, bổ sung hệ thống thu gom nước mưa và cửa xả tiêu thoát nước để góp phần điều hòa phục vụ thoát nước đô thị trên địa bàn theo phân cấp.

Về rà soát Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo báo cáo của Sở Xây dựng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thành phố đã triển khai các dự án thoát nước theo quy hoạch, nhưng chưa đáp ứng được các mục tiêu quy hoạch về tiến độ. Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đa phần mang tính kỹ thuật, công nghệ cao, cần kinh phí lớn, hiện chủ yếu sử dụng vốn vay ODA (Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội), thời gian thực hiện dài, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng... nên hầu hết các dự án đều chậm so với tiến độ dự kiến. Tỷ lệ xử lý nước thải khu vực trong phạm vi quy hoạch đạt được còn thấp, mới đạt 28,8%.

Về xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát việc xử lý nước thải, hiện trạng đấu nối nước thải của các doanh nghiệp sản xuất; trong đó điển hình là tại Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh. Tính đến nay, 100% doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Quang Minh đã đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp để xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả ra môi trường. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Đức (chủ đầu tư Khu công nghiệp Quang Minh) đã lắp đặt 1 trạm quan trắc tự động nhằm kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Quang Minh I.

Về việc rà soát xây dựng danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội; trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ môi trường từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28-4-2023 về danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó có 4 danh mục về làng nghề (áp dụng đối với các làng nghề đã được công nhận), gồm: 48 làng nghề ô nhiễm môi trường phải xử lý; lộ trình thực hiện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; 23 làng nghề ô nhiễm có dấu hiệu mai một phải xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp khôi phục sản xuất; lộ trình thực hiện đến năm 2025; 32 làng nghề chưa có dấu hiệu ô nhiễm, cần tiếp tục kiểm soát chất lượng môi trường; 29 làng nghề mai một cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi “Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống” của UBND thành phố, lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.

Cam kết hoàn thành một số dự án

Thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn về việc hoàn thành một số dự án, UBND thành phố đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị nỗ lực thực hiện.

Đối với dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích (xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì) - công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố cam kết chỉ đạo hoàn thành cụm công trình đầu mối để bàn giao trong quý III-2023. Từ nay đến ngày 31-12-2023, phần lòng dẫn sông Tích thi công xong đoạn K18-K27,6; hoàn thiện toàn bộ lòng dẫn đoạn 1; cơ bản hoàn thành toàn bộ cầu giao thông, cống tiêu và trạm bơm tưới còn lại; phấn đấu hoàn thành đoạn 1, giai đoạn 1 của dự án trong năm 2023. Hiện tại, UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Ba Vì sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công; chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Trạm bơm tưới Cẩm Yên.

Đối với dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, ngày 9-6-2023, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã họp thống nhất chủ trương chấm dứt hợp đồng nhà thầu thi công gói thầu số 3 và tổ chức đấu thầu lại gói thầu số 3; gia hạn, điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện hợp đồng thi công gói thầu số 4 dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố.

Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố đôn đốc liên danh nhà thầu và các nhà thầu phụ khẩn trương triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ thi công đối với khối lượng công việc còn lại.

Dù chưa thực hiện được hết các cam kết, lời hứa, song những kết quả trên cho thấy sự chuyển biến của các cấp, các ngành, đơn vị trong thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư dự án, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố - lĩnh vực được cử tri, đại biểu HĐND thành phố quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển biến tích cực sau phiên chất vấn của đại biểu dân cử Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.